Review Sách

Bánh xe số phận – Hermann Hesse

Trong bất cứ thời kỳ nào thì những mâu thuẫn về phương pháp giáo dục vẫn luôn tồn tại và là đề tài gây rất nhiều tranh cãi. Những thành tựu được vinh danh, những bi kịch luôn hiện hữu và những người trẻ tuổi luôn là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi vòng quay không ngừng nghỉ này. Bánh xe số phận là tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng người Đức Hermann Hesse được xuất bản năm 1906 với câu chuyện về cậu bé Hans Giebenrath thông minh và nhạy cảm. Một tác phẩm khiến người đọc phải suy ngẫm về giáo dục, sự kỳ vọng và sự lớn lên của những đứa trẻ.

Bánh xe số phận là câu chuyện kể về Hans Giebenrath, một cậu bé thông minh và tài năng sớm mất mẹ, sống cùng cha là một người buôn bán ở một thị trấn nhỏ nước Đức. Tài năng của Hans được các thầy giáo phát hiện từ sớm và bắt đầu bồi dưỡng để cậu thi vào chủng viện, nơi dành cho những học sinh xuất sắc cả nước. Hans tìm thấy niềm vui, sự hứng thú trong những bài học nhưng cùng với đó, cậu cũng học vì sự kì vọng của cha, thầy giáo và linh mục. Cậu đỗ vào chủng viện để trở thành một trong những chủng sinh giỏi giang xuất sắc. Cậu chăm chỉ và nhút nhát, cậu nhạy cảm nhưng đầy quyết liệt để đi đến cái đích kỳ vọng của những người xung quanh. Thế nhưng, áp lực học hành liên tục cũng khiến cho cậu không có thời gian nghỉ ngơi và những sở thích cá nhân cũng dần bị loại bỏ. Sức khỏe trở nên tàn tạ, tinh thần không còn vững vàng và những mối quan hệ với môi trường xung quanh như một thứ gì đó ngày càng xa lạ với cậu bé Hans Giebenrath. Sau khi trở nên suy sụp, cậu trở về nhà với đầy những con mắt tò mò, nghi ngờ, phán xét chờ đợi. Để đến cuối cùng, Hans đã có một kết cục khiến người ta cảm thấy mọi thứ đều trở thành vô nghĩa.

Bánh xe số phận – Hermann Hesse. Ảnh: Thu Trang

Trong hành trình của mình, Hans Giebenrath đã có rất nhiều những người xung quanh cuộc sống của cậu. Cha của Hans là một người đầy tham vọng với mong muốn con trai mình có thể đạt được những thành tích xuất sắc khiến gia đình vẻ vang. Hans không hề gặp những khó khăn về vật chất nhưng bên cạnh việc mất mẹ, cậu luôn nhận được áp lực nặng nề từ người cha nghiêm khắc không hiểu được cậu mong muốn điều gì. Những người thầy luôn khuyến khích cậu học để không bị thụt lùi như đại diện cho một hệ thống giáo dục khắc nghiệt, luôn chú trọng tới thành tích mà quên đi những điểm tựa tinh thần cần có. Những người bạn học có tính cách khác nhau nhưng hầu hết đều hướng đến mục tiêu là thành tích học tập tốt. Những mục tiêu rõ ràng của họ như mục tiêu của một nền giáo dục đầy khắc nghiệt, luôn đầy áp lực.

Có lẽ, trong cuộc đời mình thì Hans Giebenrath đã may mắn gặp được hai đốm sáng xoa dịu cho tâm hồn cậu là người bạn học Hermann Heilner và chú thợ da Flaig. Chú Flaig chân thành, giản dị đã luôn cố gắng nói cho Hans biết những giá trị đích thực nằm ở ngay cuộc sống của cậu. Chú vui mừng cho những gì Hans đạt được nhưng cũng lo lắng cho sức khỏe của cậu, khuyến khích cậu có được cuộc sống vui vẻ mà không bị những áp lực, những kỳ vọng của người khác dẫn đường. Trong khi đó, Hermann Heilner lại là người bạn mang đến cho Hans những cảm xúc tươi mới, một nguồn an ủi không thể có từ bất cứ nơi nào. Nếu Hans là biểu tượng cho sự xung đột giữa cá tính tự do và những áp lực xã hội hà khắc thì Heilner lại luôn sẵn sàng đi ra khỏi khuôn khổ để đấu tranh cho cá tính và bảo vệ tự do cá nhân của chính mình. Heilner đã kéo Hans ra khỏi guồng quay học hành đó nhưng sự đơn độc của cậu không đủ sức chống lại cả một hệ thống khắc nghiệt đó. Trong con người Hans là sự mâu thuẫn giữa sự phóng khoáng cậu mong muốn và chịu đựng những kỳ vọng từ người thân, xã hội. Khi không dung hòa được điều đó, cậu đã đánh mất chính bản thân mình.

Bánh xe số phận – Hermann Hesse. Ảnh: Thu Trang

Bánh xe số phận là một tác phẩm đầy dồn nén và có một kết thúc buồn. Không khó để nhận ra thái độ phê phán hệ thống giáo dục của Hermann Hesse trong Bánh xe số phận. Cách những bậc phụ huynh kì vọng, những người thầy định hướng và tạo áp lực có thể khiến một con người có thể bị hủy hoại như thế nào. Liệu rằng tài năng của Hans là một món quà hay một bi kịch? Một tác phẩm cảm động và đáng để suy ngẫm!

Hermann Hesse (1877 – 1962) là một nhà thơ, nhà văn và họa sĩ người Đức. Năm 1946 ông được tặng Giải Goethe và Giải Nobel Văn học. Các tác phẩm được yêu thích tại Việt Nam như: Siddhartha (Câu chuyện dòng sông), Huệ tím, Bánh xe số phận…

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM

 

Please follow and like us:
Pin Share

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *