Bốt điện thoại bên rìa thế giới – Laura Imai Messina
Review sách hay – Bốt điện thoại bên rìa thế giới là cuốn tiểu thuyết của tác giả người Ý Laura Imai Messina dựa trên câu chuyện có thật về một trạm điện thoại “kì lạ” tại Iwate. Bốt điện thoại này tại Iwate được Itaru Sasaki dựng lên ở ngay khu vườn của mình tại Otsuchi sau khi người thân của ông qua đời. Vài tháng sau đó, thành phố nằm ở miền đông bắc Nhật Bản đã phải hứng chịu thảm họa kép động đất sóng thần xảy ra vào 11/3/2011. Bốt điện thoại của Gió được nhiều người coi là nơi để những người “không thể nói lời tạm biệt” có cơ hội gửi những lời sâu thẳm trong tim mình đến người thân của họ.
Nhân vật chính của Bốt điện thoại bên rìa thế giới là Yui, một người đã bị mất mẹ và con gái sau thảm họa động đất sóng thần khủng khiếp năm 2011. Sau nhiều ngày tháng sống trong sự đau khổ đến câm lặng vì mất mát đó, Yui đã được nghe về chiếc bốt điện thoại kì lạ qua chương trình phát thanh của cô. Với chiếc bốt điện thoại đó, một người có thể nói chuyện với người đã khuất. Và đó là khi hành trình tìm kiếm của cô bắt đầu. Đó chỉ đơn giản là hành trình tìm kiếm chiếc bốt điện thoại đặc biệt hay là hành trình để cô có thể thấy lại niềm tin và tình yêu cuộc sống? Sự kết nối liệu có mang đến điều kỳ diệu hay phép màu cho những người cần đến chúng?
Đi cùng hành trình của Yui, độc giả sẽ được gặp rất nhiều câu chuyện về nỗi đau khác nhau của những người khác nhau. Có người mất người thân vì thảm họa, có người mất người thân vì bệnh tật, hay có những người đến với Bốt điện thoại của Gió để trò chuyện với người thân còn sống nhưng mất thần trí vì thảm họa. Dù mỗi người có độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau với các câu chuyện khác nhau nhưng trong họ đều là những tổn thương cần được chữa lành. Không giống nhiều người khác, Yui không ngay lập tức tiến đến với chiếc điện thoại để bắt đầu cuộc nói chuyện của mình. Sau khi gặp và bắt đầu những chuyến đi cùng Takeshi, Yui chỉ như một người lắng nghe và quan sát. Cô lắng nghe những câu chuyện, dạo chơi và quan sát khu vườn cùng bốt điện thoại. Nỗi đau của cô được làm dịu dần sau nhiều năm như thế, sau sự bao bọc thần kỳ của bốt điện thoại dành cho cô khỏi cơn bão. Để cuối cùng, Yui có được sự dũng cảm để “gặp lại” mẹ và con gái mình. Để cuối cùng, cô thực sự nương vào tình yêu để mạnh mẽ trở lại một lần nữa.
Bốt điện thoại bên rìa thế giới tràn ngập những nỗi buồn đau, mất mát nhưng điều đặc biệt là Laura Imai Messina không hề mang đến cho độc giả cảm giác về sự tuyệt vọng, bế tắc. Cách viết nhẹ nhàng như lời kể thủ thỉ, xen lẫn là những đặc điểm hay thói quen, câu chuyện nhỏ nhặt của các nhân vật khiến người đọc cảm thấy trân trọng những điều bình dị nhất. Không phải điều kì diệu to lớn là cứu cánh cho những nỗi đau của họ mà là thời gian đi qua, là từng điều nhỏ bé hòa tan những nỗi đau cũ và gieo vào những hy vọng mới. Người đọc có thể cay mắt nhưng không phải vì đau buồn mà vì sự cảm động với những gì các nhân vật phải trải qua và lòng tin tưởng một cuộc sống đầy tình yêu, lòng dũng cảm được tôi rèn khắc nghiệt. Ở Bốt điện thoại bên rìa thế giới, những nhân vật như Yui, Takeshi, Hana hay Suzuki-san được Laura Imai Messina đặt vào đó một cách nhẹ nhàng nhưng đầy cảm xúc.
Khi nhắc đến những sự kiện sóng thần ở các nước ven biển, người ta thường chỉ nhớ đến với những danh từ chung chung như: thảm họa, thiên tai, kinh hoàng hay những con số thiệt hại. Nếu sự kiện đó ở cách xa hàng chục nghìn cây số, người ta sẽ chỉ nhớ đến nó trong một khoảng thời gian không đáng kể. Sẽ chỉ là câu chuyện nào đó được kể lại, xa xôi và mơ hồ. Thế nhưng, đó không chỉ là những con số không cảm xúc về thời tiết, khí hậu, trái đất. Đó là những hố đen sâu hoắm đưa người ta đến sự tuyệt vọng câm lặng, và chỉ có thể được chữa lành từ những phép màu.
Thảm họa kép động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 trong vòng 1 giờ đã san phẳng các thị trấn dọc bờ biển Thái Bình Dương tại Nhật Bản. Ngọn sóng cao nhất tại Miyako, Iwate, được ước tính cao đến 40m đã khiến gần 16 nghìn người thiệt mạng, hơn 6 nghìn người bị thương và gần 3 nghìn người mất tích. Sau khi tàn phá gần 130 nghìn ngôi nhà, thảm họa này đã khiến toàn bộ đất nước Nhật rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tiểu thuyết Bốt điện thoại bên rìa thế giới của Laura Imai Messina như một bức thư dành cho những người từng trải qua thảm họa này hay bất cứ ai có những nỗi đau của riêng mình, để họ có thể tin vào lòng dũng cảm, sự trân trọng và tình yêu luôn hiện hữu.
Laura Imai Messina sinh năm 1981, là tác giả người Ý có nhiều tình cảm dành cho đất nước Nhật Bản. Cô tốt nghiệp chuyên ngành Văn học tại đại học Sapienza Rome. Năm 23 tuổi cô cùng gia đình chuyển đến đất nước mặt trời mọc và Laura Imai Messina giảng dạy tại đại học Ngoại Ngữ Tokyo.
Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.
Pingback: Những trích dẫn hay trong Bốt điện thoại bên rìa thế giới của Laura Imai Messina - Sách Xanh Xanh