Review Sách

Bức tranh Dorian Gray – Oscar Wilde

Trong lúc đọc Bức tranh Dorian Gray, tôi cứ nghĩ về câu chuyện một chàng trai bỗng phát hiện sắc đẹp của mình, rồi chàng ta cứ soi mình xuống hồ để rồi sau đó bị… chết đuối. Thật ra thì không hiếm những câu chuyện về phụ nữ đẹp. Thế nhưng, so với chàng trai bên hồ hay Dorian Gray thì những người phụ nữ có vẻ dễ kiểm soát trạng thái của mình hơn.

Tôi đến với Bức tranh Dorian Gray là bởi quá say mê với Ngôi nhà thạch lựu và Chàng hoàng tử Hạnh Phúc. Những câu chuyện của Oscar Wilde trong cuốn sách cho thiếu nhi đó đẹp đến mức khiến tôi cảm thấy như chìm trong mật, như lạc giữa vườn táo chín thơm lừng mùa thu. Tôi không tìm hiểu gì về Dorian Gray trước đó và tôi còn bị dọa, đại loại như, đọc xong sẽ muốn sang nhượng lại cuốn sách ngay lập tức. Trong lúc đọc, tôi thấm thía lời doạ dẫm. Khi đọc xong, tôi lại nghĩ, có lẽ cũng không hẳn là tốn thời gian.

Bức tranh Dorian Gray – Oscar Wilde

Nhân vật chính trong tiểu thuyết Bức tranh Dorian Gray của tác giả Oscar Wilde là Dorian Gray. Anh ta được miêu tả là một người đàn ông trẻ đẹp, có vẻ ngoài hoàn hảo và quyến rũ. Từ một người có vẻ đẹp xuất chúng ban đầu, sau khi được Basil Hallward, một họa sĩ vẽ chân dung và bị ảnh hưởng của Lord Henry Wotton, Dorian Gray đã có những thay đổi hoàn toàn trong cuộc sống của mình. Những nhân vật quan trong khác trong Bức tranh Dorian Gray có thể kể đến như: Basil Hallward, người đã vẽ bức chân dung của Dorian và là người đầu tiên phát hiện ra sự thay đổi trong tâm hồn của anh ta. Lord Henry Wotton, người đã tình cờ gặp Dorian tại nhà Basil và mang đến cho nhân vật chính một cuộc sống đầy tràn những cám dỗ. Sybil Vane là nữ diễn viên mà Dorian đã yêu và có một cái kết bi kịch để rồi em trai cô phải tìm cách báo thù cho cái chết của cô. Ngoài ra, có một nhân vật đặc biệt, dù xuất hiện rất ngắn nhưng được coi là đã giúp Oscar Wilde “hé lộ” một chút về “bí mật” của mình.

Trong Bức tranh Dorian Gray của Oscar Wilde, những giá trị đạo đức được nhường chỗ cho những gì duy mĩ, những cái đẹp có thể nhìn thấy một cách rõ ràng. Nhân vật thể hiện một cách xuất sắc cho cái nhìn này chính là Lord Henry Wotton. Ngay từ khi Lord Henry Wotton xuất hiện và phần thoại bắt đầu, tôi đã có cảm giác không thích hắn. Đây được coi là nhân vật đại diện cho tinh thần châm biếm sâu sắc đối với xã hội của tác giả. Nhiều điều hắn ta nói khiến người ta gật gù vì sự chính xác. Thế nhưng cảm giác khó chịu tăng dần vì cảm thấy sự tọc mạch mỗi lúc một rõ rệt. Gần cuối truyện có một câu nói, đại loại là, ai đó có thể hy sinh vì một câu nói trào phúng. Và cuộc đời Henry không có gì ngoài những câu nói trào phúng. Những lý thuyết của Lord Henry Wotton là một thứ cám dỗ – như một thứ thuốc độc cực mạnh. Chỉ cần nhỏ một giọt vào dòng sông, mọi thứ sẽ bị nhiễm độc nhanh chóng và còn biến đổi không ngừng. Trong cuộc trò chuyện cuối cùng Dorian Gray, ta nhận ra hắn chỉ như một chiếc máy ghi âm được phát lại. Đối với hắn ta, vẻ đẹp tâm hồn là thứ không thực sự có giá trị gì tốt đẹp cho con người.

Bức tranh Dorian Gray – Oscar Wilde

Basil Hallward là người nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn của Dorian Gray và cả sắc đẹp bên ngoài của cậu. Đây chính là bất hạnh đầu tiên trong cuộc đời chàng trai xinh đẹp nhưng có số phận nghiệt ngã này. Rồi có khác gì một nơi đẹp đẽ được phát hiện, được khoe ra và rồi vô số bàn chân tới đó để phá nát vẻ đẹp ấy. Bất hạnh cuối cùng của Dorian là gặp phải Lord Henry Wotton. Ôi, bùn lầy tăm tối bắt đầu từ đây!

Bức tranh là phép màu, là thứ mang đến cho Dorian Gray sự mê hoặc, sự tò mò và cám dỗ suốt 18 năm. Tôi không hề bất ngờ với diễn biến của câu chuyện từ khi bức tranh xuất hiện trong Bức tranh Dorian Gray của Oscar Wilde. Tôi cũng không bất ngờ với cái kết truyện. Việc không nhắc đến Henry ở cuối truyện thực sự thú vị. Dù Dorian Gray có chết đi thì mọi thứ cũng không có gì thay đổi. Trong khi đó, người bạn của anh vẫn mang những “bản ghi âm” của mình đi bật lại khắp nơi. Ở đó, những giá trị đúng đắn được xã hội thừa nhận chỉ là một thứ gì đó phù phiếm và không có trái tim.

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *