Review Sách

Bụi đường di dân – Jeanine Cummins

Review sách hay – Sau khi gấp lại trang cuối cùng của Bụi đường di dân của Jeanine Cummins, tôi bị ám ảnh với suy nghĩ đây là “chiếc bạt tai mạnh và đanh” cho những người vẫn đang hàng ngày tự thôi miên mình bằng những hình ảnh hào nhoáng của thế giới. Dù là một tác phẩm hư cấu nhưng nó cũng như một hồi chuông cảnh tỉnh cho những tâm hồn mơ mộng, những “nhà địa lý trên bản đồ” rằng, một chấm nhỏ đó không chỉ là một thành phố của một đất nước mà còn là cả bãi rác – nơi ai đó được sinh ra; hay có cả một bữa tiệc – nơi đại gia đình với 16 người bị tàn sát bởi những kẻ sẵn sàng ăn thịt gà trong bữa tiệc của họ.

Bụi đường di dân của Jeanine Cummins là câu chuyện về hành trình đi tìm con đường sống ở bên kia phía Bắc biên giới Mexico của mẹ con Lydia và Luca. Họ chạy trốn khỏi băng đảng buôn ma túy khét tiếng. Họ chạy trốn khỏi ký ức kinh hoàng về cái ch.ết tức tưởi của cả gia đình. Họ chạy trốn khỏi Acapulco de Juárez – thành phố được người ta nhắc đến với vẻ đẹp rực rỡ của biển và luôn đầy ắp khách du lịch. Thật kì lạ mà cũng thật bình thường. Vẻ đẹp của thiên đường và những tội lỗi, những kinh hoàng của địa ngục lại có thể cùng xuất hiện ở một dòng thời gian, một chấm nhỏ trên bản đồ như thế. Dù muốn hay không, thực tế là như thế và bạn PHẢI CHẤP NHẬN – thế giới là như thế. Và trên hết, câu chuyện không dừng lại ở đó. Sau những bước chân đầu tiên cùng mẹ con Lydia và Luca, bạn sẽ thấy được một con đường rộng không biên giới khác. Con đường của những người di dân với niềm hy vọng xen lẫn tuyệt vọng để tìm đến với miền đất hứa. Họ là ai trên thế giới này?

Bụi đường di dân – Jeanine Cummins

Bụi đường di dân có nội dung kịch tính ngay từ những trang sách đầu tiên. Một cánh cửa được mở ra, sau nó là tiếng súng, là tiếng nói chuyện, là tiếng nước đi tiểu và ăn thịt gà của 3 kẻ mang súng. Sau nó, là 16 con người bị xả súng và những gì của một bữa tiệc chưa kết thúc. Không một tiếng khóc được cất lên, không một giọt nước mắt được nhỏ xuống. Ngay cả tiếng thở cũng cần được nén lại. Câu chuyện được bắt đầu như thế. Và hành trình của họ bắt đầu. Hành trình đưa mẹ con họ đến với những số phận di cư từ khắp Trung Mỹ và Mexico. Họ có thể đến từ rừng mây – một nơi tuyệt diệu của thế giới. Họ có thể đến từ một bãi rác khổng lồ – nơi một đứa trẻ có thể bị chết khi trong lúc cố gắng nhặt một quả bóng. Họ có thể là người đã bị trục xuất từ “miền đất hứa” – nơi những người còn lại đang mơ tới. Tất cả bọn họ, sẵn sàng nhảy lên nóc những con tàu đang chạy với cả niềm hy vọng lẫn tuyệt vọng của mình.

Bụi đường di dân, có 2 thứ làm tôi bị thuyết phục. Đầu tiên, đó là sự trần trụi của thực tế tại Mexico và một số nước Trung Mỹ. Jeanine Cummins như bóc trần mọi lớp màu vẽ được tô lên để mang đến vẻ hào nhoáng, hoặc chí ít là vẻ thanh bình giả tạo cho một phần của thế giới. Bà dùng ngôn từ để nói với độc giả rằng: Hãy dừng lại một phút thôi, đừng tự thôi miên mình nữa. Hãy lắng nghe đi, có những số phận đang phải chạy trốn tội ác mỗi ngày. Một hồi chuông được kéo vang rền, dữ dội để người ta có thể nhận ra rằng các băng đảng buôn bán ma túy, gi.ết người hàng ngày và những thành phố có tỉ lệ gi.ết người cao nhất thế giới vẫn đang tồn tại. Những con tàu chở hàng xuyên quốc gia vẫn chạy mỗi ngày và còn mang trên mình một sứ mệnh khác – cõng trên nóc mình những phận người di cư. Bà cho độc giả như nhìn thấy từng hạt bụi lẩn khuất trong không khí, từng hạt cát bám vào quần áo, giày dép của họ. Không cầu kĩ và hoa mĩ. Tất cả những gì bạn cần làm là nhìn vào từng con chữ và cảm nhận trái tim từng nhân vật. Bạn sẽ như đang xem một bản tin thời sự chân thực nhất và đánh giá chúng như thế nào là ở chính bạn.

Điều thứ 2, đó là lòng tốt không gì đo đếm được của những con người cũng ở dọc mảnh đất ấy. Tôi từng xem những bộ phim cũng như biết về sự tàn khốc, dã man và đứng ngoài luật pháp của những băng đảng buôn bán ma túy. Tôi cũng biết về con đường di dân của những người bên kia biên giới phía nam nước Mỹ và cũng đọc không ít tác phẩm về việc chạy trốn đến phía nam của những kẻ tội phạm. Thế nhưng cho đến Bụi đường di dân, Jeanine Cummins mới cho tôi biết về một thứ lòng tốt giàu ý nghĩa đến thế. Từng món thực phẩm được tiếp tế, từng chai nước được làm đầy, từng sự “ngó lơ” của những người bảo vệ khiến tôi như nhìn thấy một dòng chảy ngọt ngào và ấm áp. Sự tử tế như một tán cây mang đến bóng râm mát lành cho những con người tứ cô vô thân ở nơi chỉ có sỏi đá khô cằn và nắng nóng bao phủ. Những đôi tay vươn ra để bắt lấy những người ở dưới, giúp họ leo lên như những cành cây vững chắc và tiếp thêm nhựa sống cho những họ.

Bụi đường di dân – Jeanine Cummins

Bụi đường di dân, tôi không quá ấn tượng với những chi tiết giật gân ở phần đầu. Thứ khiến tôi phải nén thở là những chi tiết tưởng như rất nhỏ ở phần phía sau. Tôi cảm nhận được cách những con người đó tự trấn an mình không phải bằng sự xoa dịu mà bằng câu thần chú “đừng nghĩ”. Tôi như run lên khi Luca đứng trên con đường ở quảng trường San Miguel và khóc nức nở, dù trước đó cậu đã dũng cảm cùng mẹ vượt qua bao nhiêu khó khăn mà không một lời kêu ca, phàn nàn. Sự mâu thuẫn giữa việc bị hút vào những cái mới lạ và cảm giác quên đi người thân đã mất, quên đi sự đau khổ mới đây khiến mọi thứ trở nên quá khó khăn. Tôi phải nén thở khi nghe những câu chuyện chất chứa bất hạnh của Beto bằng giọng kể thản nhiên của cậu. Tôi thương Beto quá đỗi và đã muốn trách Lydia vì cô đã không có một tích tắc nào nghĩ đến cậu bé khi chuẩn bị cho chuyến đi. Nhưng khi một người mẹ đã gặp bằng ấy tai ương cùng với sự lo sợ luôn song hành, cùng với đứa con phải bảo vệ thì còn có thể mong chờ gì hơn? Dù là ai hay bản thân Lydia, sự bao dung là điều PHẢI có.

Đi đến cái kết cuối cùng của Bụi đường di dân, thứ đọng lại trong người đọc là sự chấp nhận hay không chấp nhận đều không quan trọng. Những cái chết, những mất mát và đau đớn là điều không ai muốn. Thế nhưng nó lại hợp lý. Đây chính là thứ khiến người ta đau lòng nhất. Sự hợp lý!

Theo Lực lượng tuần tra biên phòng Mỹ, từ tháng 10/2018 đến tháng 6/2019, số người di cư trái phép vào Mỹ lên tới gần 700.000 người, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước đó.
Trong tháng 8/2022, CBP đã bắt giữ 203.598 người di cư vượt biên từ Mexico, nâng tổng số người bị các nhà chức trách Mỹ bắt tại biên giới Mỹ – Mexico lên hơn 2,1 triệu người trong năm tài chính 2022, theo báo Washington Post. Theo trang tin American Military News, số người di cư bị bắt trong năm tài chính 2022 (còn 1 tháng nữa mới kết thúc) là 2.150.639 người, con số cao nhất mọi thời đại trong một năm tài chính. Tổng số vụ bắt giữ trong năm tài chính 2022 là 2,3 triệu vụ (bao gồm một số người bị bắt nhiều hơn một lần), vượt xa kỷ lục năm 2021 là hơn 1,7 triệu vụ bắt giữ. – Theo Tuổi Trẻ.

Bụi đường di dân là một cuốn sách nên đọc cho bất kì ai. Nó sẽ giúp bạn nhìn rõ một mảnh của thế giới. Tuy nhiên, nếu bạn là người khó tính với phần dịch cũng như biên tập sách thì đây không hẳn là gợi ý lý tưởng. Vẫn có khá nhiều điểm hạn chế để sách đến với người đọc một cách tốt nhất.

Cảm ơn tác phẩm tuyệt vời của Jeanine Cummins!

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *