Chúa Ruồi – William Golding
Những câu chuyện hư cấu trong văn học không hề có giới hạn. Nếu muốn thấy thiên đường, có vô số tác phẩm thiếu nhi dành cho bạn. Nếu muốn thấy nơi như địa ngục, Chúa Ruồi của William Golding là một tác phẩm bạn có thể tham khảo.
Từ chiến tranh, người ta có thể tìm thấy lý tưởng và những người anh hùng. Người ta cũng có thể thấy máu và nước mắt. Nếu muốn những thứ lãng mạn từ chiến tranh, người ta tìm đến thơ Tố Hữu. Nếu muốn thấy những hiện thực đau đớn, người ta tìm đến Phùng Quán hay Bảo Ninh. Không biết có liên quan gì không nhỉ? Nhưng tôi nghĩ đến những điều này sau khi đọc xong Chúa ruồi. À, ý là cái tồi tệ và đẹp đẽ luôn song song, tồi tệ hay đẹp đẽ là ở cách nhìn!?
Ngay sau khi đọc xong Chúa Ruồi, tôi không nghĩ sẽ viết bất cứ điều gì về nó. Thế nhưng khoảng thời gian sau đó, tôi bị ám ảnh với câu chuyện và không ngừng nghĩ về những gì diễn ra trong đó. Tôi cũng nhớ đến một thí nghiệm tâm lý về sự độc ác của con người (tôi muốn nói một cái tên cụ thể nên đi search trên Google nhưng chỉ nhìn kết quả giăng ra bên dưới đã có cảm giác sợ hãi, vậy nên sẽ chỉ nhắc đến ở đây). Thí nghiệm về cô gái đứng ở nơi đông người trong một khoảng thời gian. Cô cho biết mọi người có thể làm bất cứ điều gì trên cơ thể mình. Ban đầu người ta còn ngần ngại với những động chạm nhẹ nhàng. Đến cuối cùng, cô gái đã bị đổ máu. Cuối cùng, người ta thấy quen với cái Ác, người ta thoải mái với việc Ác.
Quay lại với Chúa Ruồi của William Golding. Đây là một tác phẩm nổi tiếng được nhiều người mang ra bàn luận khi nói về cái Thiện và cái Ác. Nội dung câu chuyện xoay quanh bọn trẻ bị tai nạn máy bay và có khoảng thời gian ngắn sống cùng nhau trên một hòn đảo hoang. Ở đó, những gì nguyên sơ trong tâm tính bọn trẻ dần được thể hiện, từ nhẹ nhàng đến gay gắt. Tôi không có khả năng phân biệt từng tầng nghĩa, từng ẩn dụ mà người ta nói đến ở Chúa Ruồi. Tôi chỉ nói những gì đơn giản nhất mình cảm thấy. Một sai lầm của tôi khi đọc Chúa Ruồi chính là đã đọc vài chữ ở review nào đó và vài chữ ở bìa sau của sách. Những thứ đó mang đến áp lực ngay từ khi bắt đầu và làm tôi lờ mờ đoán được những thứ về sau. Nó cũng làm 2 chữ Thiện – Ác lởn vởn trong đầu cho dù tôi đọc bất cứ trang sách nào.
Những người đơn giản như tôi sẽ lựa chọn đứng về phía Ralph dũng cảm và kiên định. Thế nhưng, có lẽ cũng không có ai quá bất ngờ với những diễn biến phía Jack hay Roger. Đây chính là điều khiến tôi cảm thấy vô cùng khó chịu bởi tôi biết, những điều Jack làm có thể thấy ở bất cứ đâu trên thế giới này. Chỉ cần có một hạt mầm, sự tồi tệ sẽ lớn nhanh như nấm sau mưa. Jack không ác ngay từ đầu. Những đứa “mọi” cũng có quá trình trở thành “kẻ ác”. Chúng sẽ áy náy lúc ban đầu. Nhưng chúng sẽ thành kẻ “mọi rợ” như là điều tự nhiên nhất về sau. Vì quyền lực? Vì kinh sợ? Vì tuyệt vọng? Hay vì bản chất?
Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu những người lính hải quân không xuất hiện. Sự xuất hiện của họ, không biết vì lý do nào đó, lại khiến tôi có chút bức bối. Có khi nào, tôi lại muốn Ralph chết đi? Cậu bé sẽ trở thành gì sau cơn ác mộng tại hòn đảo này? Ký ức của cậu sẽ còn lại những gì?
Tôi không thích Chúa Ruồi vì nó làm tăng thêm sự hoài nghi của tôi về cuộc sống. Nó làm tôi mất nhiều sức lực khi đọc. Tác phẩm kinh điển này của William Golding làm tôi khá mệt, dù nó có giá trị thế nào đi nữa.
Lá Xanh
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung trong bài viết.