Review Sách

Chuyện người tùy nữ – Margaret Atwood

Review sáchChuyện người tùy nữ của Margaret Atwood là cuốn sách tôi nghiền ngẫm từng câu chữ và từng mẩu nội dung. Một cuốn sách chứa đựng không khí ngột ngạt và hàng tỉ thứ vấn đề của thế giới trong từng câu chữ. Từ những lời kể chi tiết trong cuộc sống rất nghèo nàn của một người “tuỳ nữ”, từng lớp mặt của vấn đề được nhắc đến, được bóc tách và dù thế nào, cũng chẳng thể đi đến lớp tận cùng như ta mong muốn.

Tôi hoàn toàn không tìm hiểu chút gì về cuốn sách mình định đọc trước đó nên đã gặp phải chút vấn đề là khó hình dung về thời đại và bối cảnh. Nhìn bìa, tôi đã nghĩ, đây là cuốn sách về một người phụ nữ ngày xưa, trông kín đáo và truyền thống đến thế cơ mà. Thế nhưng khi đọc Chuyện người tuỳ nữ, tôi thấy như đang xem một câu chuyện thời sự – ở tương lai, nhưng quen thuộc.

Chuyện người tùy nữ của Margaret Atwood là câu chuyện được kể qua lời Offred về ngôi nhà cô đang sống tại đất nước Gilead, một nước nằm trong Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vào một ngày tháng năm nào đó. Một đất nước có các Quân trưởng, các phu nhân Quân trưởng, các “dì”, Martha và tuỳ nữ. Sau một thời gian băn khoăn xem “tuỳ nữ” là gì, tôi quyết định dành cho nó một từ thuần Việt đơn giản: người đẻ thuê. Một người đẻ thuê có thể bị bắn bùm bất cứ lúc nào nếu đi chệch con đường cho phép, đến nơi không được cho phép và làm việc không được cho phép. Một hình ảnh để bạn dễ hình dung hơn: một người bị trùm kín đầu, có dây thừng quanh cổ và được lên những chiếc móc được gắn vào bức tường cạnh nhà thờ. Nơi đó, đàn ông cũng được treo rất thường xuyên, liên tục, đến khi có những kẻ “phạm luật” khác thay thế.

Chuyện người tùy nữ – Margaret Atwood

Đầu tiên, Chuyện người tùy nữ có không khí ngột ngạt và diễn biến rất nhỏ, nhịp truyện rất chậm. Tiếp theo là lối dùng những từ hiếm gặp xuyên suốt nội dung truyện. Nếu không tập trung, bạn có thể bị văng ra khỏi mạch câu chữ bất cứ lúc nào. Một số từ có thể khiến bạn phải dừng lại một chút để xem nghĩa của chúng thực sự là gì như: đê hạ, phái sinh, tầm chương, trường nhìn, tang chế, đấu xảo, tôi mình, tiết tỉnh, gấu ó, lưu xú… Tôi đã phải note lại một danh sách những từ như thế trong quá trình đọc. Đây là 2 điểm tôi đặc biệt thích ở cuốn sách này.

Những từ “lạ” mang lại sự thú vị cho cuốn sách

Từ lạ khiến tôi cảm thấy sự thú vị và nhịp truyện chậm giúp tôi có thể thực sự “nghiền” từng chút nội dung. Chuyện người tùy nữ bắt đầu rất chậm, mơ hồ, khó hiểu. Có lẽ sẽ có khá nhiều người oải với nhịp truyện và sự mơ hồ này. Tuy nhiên, bạn sẽ cảm thấy con đường dần trở nên rõ hơn sau khoảng 100 trang truyện. Sự miêu tả tỉ mỉ từ chiếc rèm cửa đến tấm thảm, tay vịn cầu thang hay trang phục, đến cả cái mụn của nhân vật siêu phụ giúp bạn có được phần nền chắc chắn, khó phai dù phần sau có diễn biến thế nào đi nữa. Thế nhưng, những người đàn ông, đàn bà trong câu chuyện này cũng rất mơ hồ. Họ vừa có tên, vừa không. Offred = Of Fred, Ofglen = Of Glen, hay Quân trưởng, Luke, Nick… Họ như những chiếc bóng đi qua một thể chế khiến người ta ám ảnh.

Những câu hỏi không ngừng vang lên

Khi đọc, tôi vừa cảm thấy thú vị với những quan điểm mình gặp, lại vừa sợ hãi. Tôi có được vừa rùng mình, nôn mửa khi nhìn thấy máu rồi sau đó lại phấn chấn, vui vẻ vì hoa hay không? “Không thể vì hoa mà phủ nhận kẻ treo cổ, hoặc vì kẻ treo cổ mà chối bỏ hoa. Mỗi vật đều có cái lý riêng và đều tồn tại đó… Tôi cần phân biệt. Tôi cần phải rạch ròi, trong tâm não.”. Đây có phải cách để người ta có thể sống trong thế giờ này? Trung dung hay hèn nhát?

Trong Chuyện người tùy nữ, có những điều tự nhiên nhất của tâm lý con người được nói đến. Có sự phản kháng rất đời sống như “Mẹ đòi hỏi tôi làm lời biện hộ cho đời mẹ, cho con đường mà mẹ chọn. Tôi không muốn sống đời mình theo thước tấc mẹ đặt ra. Tôi không muốn làm đứa con kiểu mẫu, hiện thân sống những lý tưởng của mẹ… Con không sống để mẹ có lý do tồn tại, có lần tôi nói vậy.”. Trước khi thế giới thay đổi, những câu chuyện như thế tồn tại. Sau đó, những mẩu chuyện đó tồn tại trong kí ức. Sự đan xen nhưng khoảng thời gian của nhân vật giúp người đọc đi đến được cái kết và hiểu được chuyện gì đã diễn ra.

Chuyện người tùy nữ – Margaret Atwood

Offred là một kẻ bị động trong câu chuyện này, ở thời điểm này. Cô chỉ như chiếc bóng dẫn người đọc đi đến những ngóc ngách của bối cảnh, của con người. Ở cô, vừa có sự thích nghi rõ rệt nhưng tôi vẫn có cảm giác phản khác ngấm ngầm bên trong, dù chỉ như những chấm nhỏ li ti. Người ta không dám tin đến một lúc nào đó nó có thể bùng cháy. Cô một mình, cô độc giữa những “con mắt” được giăng mắc khắp nơi của chính phủ. Trong lúc chờ “kẻ bị động” bên trong mình thay đổi, cô đã chờ đợi, với niềm tin dù mơ hồ nhưng kiên định vào Moira. “Tôi không muốn cô trở nên giống mình. Quy thuận, xuôi dòng, cứu lấy cái mạng. Tóm lại là như vậy. Tôi muốn có kiên cường, hảo hán, anh hùng, đơn thương chiến đấu. Điều tôi không làm được.”. Tôi cảm thấy thương hai người phụ nữ này, thương thế giới này vô cùng khi Moira nói “Mà thôi, hãy xét góc độ này: đâu có tệ, xung quanh bao nhiêu đàn bà. Thiên đường ô môi, còn gì nữa.” – Có lẽ Offred đã hiểu rằng, người bạn mạnh mẽ của mình cuối cùng cũng bị đánh gục. Khi thế giới thay đổi, sau tình trạng shock ban đầu và sự phản kháng, “nước ấm nấu ếch” bắt đầu phát huy tác dụng.

Sự thích nghi – hay đầu hàng, không khó hiểu như sau khi bị kìm nén, bị bào mòn từ tinh thần đến thể xác. “Đến phải kinh ngạc khi thấy người ta tập quen được những gì, miễn là có tí bù đắp.”. Họ có từng nghĩ về những điều tốt hơn, rằng “Tôi ước nó văn minh hơn. Tôi ước mình hiện ra trong đó tốt đẹp hơn, nếu không sung sướng, thì ít nhất cũng năng nổ hơn, bớt do dự, bớt phân tâm vào những điều nhỏ nhặt.” nhưng “lại có quá nhiều thứ ngáng đường, quá nhiều thì thầm, quá nhiều đoán định về kẻ khác, quá nhiều đồn đại không tài nào kiểm chứng, quá nhiều lời chưa nói ra, quá nhiều thầm lén và bí mật. Và lại quá nhiều thời gian phải chịu đựng…”. Đến cuối cùng, họ nghĩ rằng “Đó mới là thứ rốt cuộc sẽ kết liễu người ta. Đức tin cũng chỉ là chữ, thêu bằng chỉ.”.

Serena Joy, phu nhân Quân trưởng không thể hiện nhiều trong câu chuyện nhưng là một phần tạo nên thế giới đàn bà với nhiều tầng lớp, không lớp nào thiếu những đau đớn. Có thể, bà ta sống trong sự thôi miên chính mình, dù với bản thân hay với những người cận kề. “Bà không tin ông ta là quỷ. Ông ta không phải quỷ, trước mắt bà. Hẳn ông ta cũng có ng đáng yêu: ông thường huýt sáo, lạc điệu, trong buồng tắm ông suốt ngày nhí nhách kẹo viên sô cô la, ông gọi chó là Liebchen, bé cưng… Quá sức dễ dàng bịa ra nhân tính, cho bất kỳ ai trên đời. Cám dỗ quá gần bên. Chỉ là đứa bé to xác, chắc bà đã nhủ mình vậy.”. Tôi nhận ra, bản năng muốn xoa dịu, muốn mọi sự tốt đẹp hơn có thể nuôi dưỡng điều ác tốt hơn bất cứ thứ gì. Đây cũng là đoạn khiến tôi rùng mình, không phải vì ông ta là một con quỷ, mà là việc nhân tính là một thứ có thể bịa ra, nhớp nhúa.

Những lời tiên tri cho thời sự thế kỷ 21 từ 30 năm trước

Ấn tượng sâu sắc Chuyện người tùy nữ chính là cách những vấn đề thời sự được nhắc đến chứ không chỉ là những gì xảy ra với một tuỳ nữ. Chỉ với 400 trang sách nhưng tác giả đã cho người đọc thấy cả thế giới suốt nhiều năm qua, và cả tương lai có khả năng xảy đến. Có những vết kim châm nhỏ nhưng được xoáy một cách đau đớn, tài tình. Là chiến tranh: “Con bé mạnh khỏe đấy, cơ rất lẳn. Gia đình không mang chất da cam, kiểm tra hồ sơ rồi, cẩn tắc không bao giờ áy náy.” – nói về chất lượng một tùy nữ. Hay “Thời trước người ta sẽ nhận được một cái gói nho nhỏ, đồ tư trang: những thứ còn lại bên mình khi anh chết. Họ thường làm thế, thời chiến, mẹ tôi bảo. Cần phải than khóc bao lâu, họ đã nói gì nhỉ? Hãy dành đời mình tưởng niệm người yêu dấu. Anh ngày xưa. Người yêu dấu.”. Về khủng bố: “Chuyện xảy ra sau đại họa, tổng thống bị bắn và Quốc hội bị xả súng máy, quân đội tuyên bố tình ở trạng khẩn cấp, Tội đổ lên đầu đám Hồi giáo cực đoan, hồi ấy.” Hay về cách chính quyền trấn an người dân của mình “Hãy bình tĩnh, ti vi nói. Mọi chuyện đều kiểm soát.”.

Chuyện người tùy nữ – Margaret Atwood

Những vấn đề của 36 năm trước hay tiên đoán của tác giả cho 36 năm sau? “Thai lưu, sẩy thai, dị dạng do hỏng gen xuất hiện tràn lan, ngày càng tăng mạnh, và tình trạng đó đã được chứng minh mối liên quan với những tai nạn, những vụ đóng cửa hay phá hoại ở các nhà máy nguyên tử đầy rẫy trong thời đại này… – và cả việc sử dụng bừa bãi hóa chất trừ sâu, trừ cỏ hay tương tự.” Những cụm từ quen thuộc ở đời sống hiện tại khiến người ta giật mình, vì cách thế giới diễn ra: “Nhu cầu có một cái tôi tạm gọi là dịch vụ sinh nở đã rõ rệt từ thời tiền Gilead, và nó được đáp ứng với nhiều thiếu hụt bằng “thụ tinh nhân tạo”, “phòng khám hiếm muộn” và những người “mang thai hộ”, được thuê riêng cho mục đích này.”

Một Gilead với biểu tượng con mắt soi xét đến từng ngóc ngách. Một Gilead không tình yêu, không tri thức, không tiếng cười nhưng lại không dị biệt, như phân tích: “Như tôi đã nói ở trên, có rất ít thứ thực sự phát xuất từ hay có riêng cho Gilead: tinh thần của nó mang tính tổng hợp… Mọi nhà thiết kế ra Gilead đều biết rằng, để đặt nền móng cho một chế độ toàn trị hữu hiệu, mà thực ra là bất kỳ chế độ nào, phải cung cấp một số đặc lợi và quyền tự do, ít nhất cho một thiểu số ưu đãi, đền lại những thứ đã tước đi.”. Tôi vẫn hỏi và không ngừng suy nghĩ về cách thế giới này vận hành, dù gì đi nữa.

Cuốn sách được ra đời năm 1985 nhưng những gì được nhắc đến trong đó có thể được nhắc đến mãi mãi. Tất cả tạo nên một bức tranh quá dữ dội trong Chuyện người tùy nữ. Sự ngột ngạt trong nhịp và diễn biến truyện cộng với sự dữ dội của các vấn đề có thể khiến người ta váng đầu. Điều khiến tôi sợ hãi là bởi tôi cảm thấy sự quen thuộc. Tôi như nhìn thấy những điều ấy, rất gần.

Và cuối cùng, là những dòng kết rất đắt của cuốn sách.

“Như mọi sử gia đều biết, quá khứ là một cõi khổng lồ đen đặc, tràn đầy tiếng vọng. Những giọng nói từ đó có thể đến với chúng ta; nhưng lời chúng nói đã nhuốm đầy mịt mùng khi du hành qua ma trận ấy; và, cố đến đâu thì cố, không phải bao giờ chúng ta cũng giải mã được chính xác khi đặt dưới ánh sáng rành mạch trong thời đại của mình.
[Tiếng vỗ tay.]
Có ai muốn hỏi gì không?””

Lá Xanh

Vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung trong bài viết tại trang review sách này.

Please follow and like us:
Pin Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *