Review Sách

Chuyện tình ngàn năm | Mưa trên biển bắc – Delta D

Chuyện tình ngàn năm là tác phẩm của nhà văn trẻ sinh năm 1994 Delta D. Với tham vọng mang đến độc giả một tiểu thuyết có nội dung cuốn hút, hấp dẫn thì phần 1 của tác phẩm với tên gọi Mưa trên biển bắc đã phần nào thể hiện được điều đó. Những tình huống kịch tính được tạo nên và những nút thắt được lật mở sẽ tạo nên một câu chuyện thú vị trong phần 1 – Mưa trên biển bắc của tác phẩm.

Chuyện tình ngàn năm – Mưa trên biển bắc của Delta D có nội dung xoay quanh cậu thanh niên mười bảy tuổi tên Hải với bối cảnh là Sài Gòn năm 2011. Hải có một cuộc sống bình thường với cha là một võ sư và mẹ là đầu bếp. Cậu có những người bạn thân thiết ở trường, có cô bạn khiến cậu rung động và những cuộc đụng độ bất ngờ. Thế nhưng cùng với những điều tưởng như rất bình thường đó, cậu lại có nguy cơ vướng vào một chuỗi vụ án chấn động dư luận. Những thế lực ngầm ở nhiều nơi trên thế giới có liên quan gì? Cái kết cho phần 1 – Mưa trên biển bắc liệu có khiến bạn bất ngờ?

Chuyện tình ngàn năm | Mưa trên biển bắc – Delta D

Tiểu thuyết của Delta D có nội dung khá cuốn hút với những tình huống đa dạng ở những địa điểm khác nhau. Các nhân vật chính trong truyện đa phần ở lứa tuổi học sinh và những bạn nam biết võ nên các tình huống diễn biến hướng đến sự kịch tính khá nhiều. Khi đọc nửa đầu truyện, tôi có cảm giác khá quen thuộc như ngày trước đọc 5 Sài Gòn (hiện tại xuất bản với tên gọi Ngũ Quái Sài Gòn) của nhà văn Bùi Chí Vinh cách đây hơn 20 năm. Đến phần sau của truyện thì những cái tên như “Thạch Sầu Đời’ hay “Hoàng Lãng Tử” được nhắc đến làm tôi có cảm giác khá thú vị. Cuốn sách giống như sự tổng hợp những câu chuyện phong cách 5 Sài Gòn vậy.

Chuyện tình ngàn năm – Mưa trên biển bắc là một tiểu thuyết có hơi hướng trinh thám hấp dẫn phù hợp với bạn đọc trẻ. Tuy nhiên không biết có phải để tối ưu chi phí in ấn không mà hơi tiếc khi sách được in chữ quá nhỏ và dàn trang quá sát lề khiến cảm giác đọc sách khá mỏi mắt. Có lẽ nếu bỏ đi những hình ảnh minh họa không thực sự cần thiết và có nhiều đoạn tác giả viết ngắn gọn, súc tích lại sẽ giải quyết được vấn đề này. Mình cũng hơi băn khoăn khi bố nhân vật chính khi thì được gọi là “ông Khâm”, khi thì chỉ “Khâm” còn mẹ Hải lại luôn là “cô Hương” và một số cách gọi khác khi đọc truyện. Những danh từ kiểu: cô nàng kính cận, cô nàng nấm lùn, cô gái xứ Phù Tang hay chàng trai nhà võ… lặp đi lặp lại từ đầu đến cuối truyện quá nhiều lần. Một số những điểm nhỏ hạn chế khiến việc đọc đôi khi có những lấn cấn, có lúc khá khó chịu.

Phần 1 của Chuyện tình ngàn năm có kết thúc khá bất ngờ, hy vọng phần 2 sẽ mở ra những bất ngờ khác thú vị hơn. Một tác phẩm có thể phù hợp với các bạn trẻ!

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *