Cỏ ven đường – Natsume Sōseki
Review sách hay – Cỏ ven đường là tác phẩm của nhà văn Natsume Sōseki được xuất bản năm 1915. Đây được xem là tự truyện của chính Natsume Sōseki kết hợp nét hư cấu văn chương của tác giả thuộc thế hệ trí thức tinh hoa thời kì Minh Trị (1868 – 1912). Nội dung câu chuyện về Kenzo – người đàn ông trí thức với những diễn biến nội tâm không ngừng và cả những vướng bận của cuộc sống đến anh ta.
Một trong những thói quen với sách của tôi là không đọc bất cứ thông tin giới thiệu nào trước khi đọc hết nội dung bên trong. Thói quen này giúp tôi không bị ảnh hưởng trong quá trình đọc và cảm nhận tác phẩm. Thế nhưng đôi lúc, thói quen này cũng khiến tôi có chút bối rối khi nội dung không liên quan gì đến cái tên hay bìa sách. Cỏ ven đường của Natsume Sōseki là một ví dụ cho trường hợp này. Cái tên và bìa sách của Cỏ ven đường dễ khiến người ta liên tưởng đến một tác phẩm có thể u buồn nhưng thơ mộng và có chút gì đó nữ tính. Thế nhưng khi đọc rồi, bạn sẽ cảm thấy như bị đã gặp một “cú lừa” bởi nội dung bên trong không hề như vậy.
Cỏ ven đường của Natsume Sōseki không có cốt truyện cụ thể mà là những tình tiết hàng ngày được kể rất chậm rãi. Không gian trong tác phẩm có phần trầm buồn, tình tiết chậm chạp, lối nói không dễ hiểu của nhân vật cùng văn phong khó có thể đọc nhanh khiến người đọc dễ oải. Đặc biệt, nhân vật “người kia” xuất hiện ngay từ đầu nhưng lại được “giấu” những thông tin để người đọc không thể nhìn rõ khiến việc đọc lại càng có phần mờ mịt. Thế nhưng sau những trang giấy được lật mở, mỗi sự lật mở lại là một lát cắt mới để người đọc nhìn thấu rõ bên trong hơn. Đọc càng chậm, càng ngấm và càng cảm nhận rõ ràng tâm lý của nhân vật.
Cho đến khi kết thúc câu chuyện, điều cuối cùng đọng lại ở người đọc là sự đồng cảm với Kenzo sâu sắc. Một người có tuổi thơ, những năm tháng trưởng thành nhiều biến động và bức bối như vậy có thể coi là bất hạnh, đặc biệt với người nhạy cảm như anh. Sau khi có được thành công nhất định, những mối quan hệ dây dưa từ quá khứ lại như đầy những sợi dây thừng vừa chắc, vừa giỏi luồn lách bao vây lấy anh để kiếm lợi. Khi đọc, có lúc người ta có thể nghĩ rằng, hay là nhân vật chính trong câu chuyện này chính là tiền? Cũng có thể không sai. Tất cả những nhân vật xung quanh Kenzo, trừ người vợ, đều liên quan đến tiền của anh.
Một nhân vật quan trọng mang đến chút dễ thở cho Cỏ ven đường chính là người vợ. Nếu Kenzo là người sống khá hình thức thì người vợ lại rất thực tế. Chị như một nét điểm xuyết của cuộc sống hiện đại ở trong cả câu chuyện có phần u ám đó. Chị nói về việc nên làm gì đó dựa trên thực tế, chị cũng thể hiện về sự tôn trọng đáng có đối với phụ nữ. Không học nhiều như chồng, thường suy nghĩ không đồng nhất nhưng chị vẫn ở bên cạnh Kenzo một cách rất tài tình. Họ ở bên nhau như một lẽ tất nhiên dù thường xuyên có sự giằng co trong tâm lý, sự bức bối mỗi ngày. Họ làm cho người đọc tin, vợ chồng là một mối quan hệ rất kì lạ và kì diệu.
Đọc Cỏ ven đường của Natsume Sōseki, người ta có thể suy ngẫm về nhiều điều trong cuộc sống. Giá trị của những mối quan hệ của một người, ý nghĩa cuộc sống của người đó, sự cô đơn của cá nhân hay sự tác động của xã hội lên họ như thế nào. Cho đến khi biết rằng Cỏ ven đường như là một cuốn tự truyện, tôi có phần nhẹ nhõm hơn mà không hiểu vì sao. Có lẽ, đó là khi tôi biết những ngọn cỏ ở đây là một thực thể rõ ràng để mang lại những vướng bận rõ ràng cho một người chứ không phải là điều gì vô thực.
Natsume Sōseki (1867 – 1916) là một nhà văn người Nhật Bản thuộc thế hệ những trí thức tinh hoa theo khuynh hướng sáng tạo văn hóa thời kỳ Minh Trị (1868-1912). Ông có ảnh hưởng lớn đến văn học Nhật Bản và được các nhà phê bình đánh giá là “một trong ba trụ cột của nền văn học hiện đại Nhật Bản” (cùng Mori Ōgai và Akutagawa Ryunosuke). Các tác phẩm được xuất bản tại Việt Nam có thể kể đến như: Gối đầu lên cỏ, Mười đêm mộng, Sanshiro, Từ dạo ấy…
Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.