Review Sách

Đi trốn – Bình Ca

Đối với ai đã từng thích tiểu thuyết Quân khu Nam Đồng thì Bình Ca là cái tên tác giả quen thuộc rất được yêu mến. Sau 5 năm kể từ câu chuyện về những thiếu niên ở khu tập thể nhà binh Nam Đồng thì năm 2020, tác giả trở lại với một tác phẩm có bối cảnh khác hẳn trong Đi trốn. Cũng nhóm nhân vật chính là những đứa trẻ nhưng ở Đi trốn, sẽ không còn là khung cảnh nhà cửa nơi phố xá nữa mà Bình Ca sẽ đưa độc giả đến với khung cảnh núi non, hang động thiên nhiên và những câu chuyện khác hơn.

Nhân vật chính của Đi trốn là những đứa trẻ con của nhà cán bộ kháng chiến phải rời xa bố mẹ từ nhỏ. Khi ở lứa tuổi mẫu giáo thì chúng được ở Trại nhi đồng Khe Khao, lúc lớn hơn thì về các miền qua trong thời kỳ sơ tán. Cho dù ở thời kỳ nào thì những Tự Thắng, Thảo, Linh, Việt Bắc… vẫn khiến cho độc giả thích thú vì những câu chuyện đầy thú vị. Những trải nghiệm đặc biệt cùng cô giáo Tụy Phương, những trò nghịch ngầm từ nhỏ đến lớn của chúng được tác giả kể khá nhiều. Rồi đến khi cuộc đi trốn vào Hồ Mây để không bị trách tội dẫn đến bi kịch cuối cùng thì Đi trốn đã trở thành câu chuyện day dứt với mỗi người đọc.

Có lẽ rất nhiều người chọn đọc Đi trốn vì trước đó đã khá thích Quân khu Nam Đồng của tác giả Bình Ca. Ở Quân khu Nam Đồng, người đọc sẽ bị cuốn hút bởi cái không khí thiếu niên, sự trung thành của những người bạn và cả những câu chuyện thú vị của khu gia binh lớn nhất Hà Nội. Trong Đi trốn, bạn cũng sẽ tìm thấy những tình bạn hồn nhiên và trung thành như thế. Tuy nhiên, những điều đó đã không thể khoả lấp sự hạn chế trong cách kể chuyện của tác giả như ở tác phẩm trước Bình Ca.

Đi trốn – Bình Ca

Đi trốn, một điểm có thể nhận thấy khá rõ là cách kể chuyện khá nhạt và thiếu điểm nhấn. Những câu chuyện từ thời những đứa trẻ mới dăm, ba tuổi cho đến khi chúng trở thành thiếu niên mới lớn với những tình cảm chớm nở được kể theo kiểu… kể lể. Người đọc sẽ cảm thấy những câu chuyện đó được tường thuật khá hời hợt, không điểm nhấn và đặc biệt là không có chút tình cảm nào trong đó. Mọi diễn biến từ hành động đến tình cảm không có sự hóm hỉnh như ở Quân khu Nam Đồng và cũng không có sự tinh tế được bồi dưỡng ở tác phẩm tiếp theo. Mỗi câu chuyện được kể ra đều mang ra để bắt đầu và kết thúc một cách đột ngột, cụt lủn. Với các kể đó thì nếu là một cuốn tản văn được kể chơi sẽ phù hợp hơn so với một cuốn tiểu thuyết.

Một điều khác có lẽ khiến nhiều người không thích, thậm chí ghét Đi trốn là ở cái kết khá vô nghĩa của tác phẩm. Cho dù trước đó, câu chuyện được kể không quá thú vị thì tình cảm độc giả dành cho những nhân vật chính vẫn được nuôi dưỡng. Thế nhưng cái chết của Sơn đã làm cho cả cuốn truyện trở nên vô nghĩa. Cái chết của Sơn đột ngột, được viết trọn trong một câu văn có thể khiến người đọc “đơ” đến quên cả đau lòng. Không rõ tác giả coi một đứa bé là thần thánh hay không dành cho cậu chút tình cảm nào mà lại có chi tiết Sơn lấy thịt mình cho bạn câu cá rồi hướng dẫn bạn thoát ra khỏi u minh xong chết trong một câu như thế. Trong truyện có chỗ viết, đại ý là, đường ra sẽ đến với những người xứng đáng. Cái kết của Sơn khiến người đọc cảm thấy đến cuối cùng, hóa ra là bị lừa cả.

Trong Đi trốn, bạn sẽ thấy có những nhân vật chính và nhân vật phụ với sự phân chia “đất diễn” khác nhau. Thế nhưng, cả một chuyến đi với Linh, người cũng được tác giả cho đi tìm đường và rồi thì cũng tác giả cho bạn mất hút. Đến cuối cùng, Linh được vài dòng để người ta “tìm thấy” chứ không bị “văng” ra khỏi câu chuyện luôn.

Có lẽ bởi tác phẩm đầu tay Quân khu Nam Đồng mang đến cảm giác thú vị mới mẻ cùng cách kể chuyện khá cuốn nên độc giả có phần trông đợi nhiều hơn ở Đi trốn của Bình Ca. Thế nhưng khá đáng tiếc là bên cạnh những cảnh sắc thiên nhiên được miêu tả khá lôi cuốn thì nội dung của Đi trốn lại không mang đến được sự hài lòng như kỳ vọng. Hy vọng tác giả sẽ sớm trở lại với một tác phẩm hay trong tương lai.

Bình Ca là bút danh của nhà văn Trần Hữu Bình, con trai của nhà văn quân đội Trần Hữu Mai. Gia đình ông sinh sống ở khu gia binh Nam Đồng – nơi có nhiều cây bút văn chương nổi tiếng. Ông đã xuất bản hai tác phẩm là Quân khu Nam Đồng (2015) và Đi trốn (2020).

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM

 

Please follow and like us:
Pin Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *