Đời ai nấy chết – Hans Fallada
Review sách hay – Những cuốn sách thời chiến luôn mang đến cho độc giả rất nhiều những cảm xúc mạnh mẽ. Những đàn áp và đấu tranh, những tàn nhẫn và mất mát, những ý chí và hèn nhát luôn đan xen trong bức tranh đầy ắp màu xám tro đó. Với Đời ai nấy chết, Hans Fallada đã tái hiện lại bức tranh Berlin ngộp thở đến gai người và những điều kinh hoàng không phải ai cũng biết. Cuốn sách được viết trong vòng 24 ngày và được tác giả hoàn thành trước ngày ông mất chỉ vài tháng. Vậy, Berlin của Hans Fallada ngày đó có gì?
Đời ai nấy chết là một tiểu thuyết của tác giả người Đức Hans Fallada, xuất bản lần đầu vào năm 1947 dựa trên câu chuyện có thật về một cặp vợ chồng người Đức sống ở Berlin trong Thế chiến II. Hans Fallada bắt đầu Đời ai nấy chết với chị đưa thư mang đến tin hy sinh của người con trai độc nhất cho ông bà Quangel. Một người đàn ông luôn khép kín, không quan tâm đến chính trị và yêu thương vợ mình hết lòng chứng kiến nỗi đau câm lặng của bà Anna, Otto Quangel đã rẽ mình sang một con đường trước đây ông không thể ngờ đến. Họ bắt đầu phát những tấm thiệp tự viết với nội dung chống lại chính quyền Quốc xã. Hành động của họ đơn độc chỉ như hạt cát để chống lại sự bóp méo và bạo lực của chế độ phát xít – chế độ đã cướp đi người con duy nhất của họ. Những tấm thiệp với nội dung ngắn gọn, lặp lại thông điệp mạnh mẽ về sự thật. Họ bắt đầu với hy vọng rằng, mình có thể gieo những hạt giống tốt để chúng nảy mầm sự thức tỉnh của những người quanh họ. Thế nhưng, với một chính quyền yêu cầu dân chúng phải trung thành tuyệt đối với Quốc trưởng thì hành động của họ thu lại được kết quả không như mong muốn. Người ta nộp những tấm thiệp ngay khi nhìn thấy và Gestapo bắt đầu săn lùng hai vợ chồng nhà Quangel.
Đời ai nấy chết của Hans Fallada là bức tranh ấn tượng không chỉ được tạo nên với những nét vẽ về vợ chồng ông Quangel mà còn rất nhiều con người tạo nên bức tranh ấy. Escherich, thanh tra của Gestapo đã thực hiện nhiệm vụ săn lùng “con ma xó” đã rải những tấm thiệp suốt một thời gian dài để cuối cùng, có thể là môn đồ duy nhất của Otto Quangel. Enno Kluge, một kẻ ham mê cá cược lười biếng, dối trá và nhu nhược. Barkhausen, tên chỉ điểm chuyên sống bằng những trò lọc lõi với bất cứ ai hắn gặp. Ở đó còn có người phụ nữ đưa thư Eva Kluge quyết ra khỏi đảng, dù có bị đánh đập và lăng nhục để trở về với cuộc sống cô mong ước. Trudel Baumann, cô gái trẻ, vợ chưa cưới của con trai bà Anna Quangel trước khi anh bị chết trận và những câu chuyện của cô. Từng nhân vật, từng mảnh ghép Hans Fallada đưa vào đã tạo nên một bức tranh phản ánh rất rõ sự thô bạo của chế độ Quốc xã. Những nhân vật phụ này cùng những mối quan hệ và tương tác với nhân vật chính đã tạo nên một bức tranh phong phú về sự sống còn và lòng dũng cảm trong bối cảnh của Đức Quốc xã.
Với đời ai nấy chết, đã cho độc giả biết những điều không phải ai cũng biết mà người dân Đức đã phải trải qua. Theo ước tính, đã có khoảng từ 5,5 đến 6,9 triệu người Đức thiệt mạng liên quan đến cuộc chiến này (theo wikipedia). Họ là những người lính chết ngoài chiến trận hay cả những thường dân đang sống trong lòng Berlin cùng Quốc trưởng của họ. Ở Berlin đó, những chính sách khủng bố và đàn áp đã buộc những công dân bình thường trở thành những tên do thám, chỉ điểm. Ở đó, những con người lương thiện luôn phải sống trong nơm nớp lo sợ, nghi ngờ bị tố cáo những tội lỗi tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại có thể đưa người ta tới cửa tử. Hans Fallada đã cho ta thấy rõ điều đó qua từng trang viết của Đời ai nấy chết. Ông đã cho độc giả cảm nhận gần 700 trang sách là không khí ngột ngạt từ đường phố, từ những ngôi nhà cho đến hầm ngục. Rồi, ta có kết thúc nào cho cuốn sách được nhà văn người Ý Primo Levi đánh giá là “Cuốn sách hay nhất từng viết về cuộc kháng chiến của người Đức chống lại Đức Quốc xã.”
Một cậu thiếu niên, đã sắp thành một người đàn ông trẻ rồi, đang đi ngang sân một khu dân cư ở vùng Brandenburg.
Tiểu thuyết của Hans Fallada viết dựa trên một câu chuyện có thật trong hồ sơ được trao từ Cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Dân chủ Đức Johannes Becher. Từ những trải nghiệm thực tế của mình khi phải sống trong sợ hãi, ngờ vực và hiểm nguy ngày ngày ở Berlin thời chiến, Hans Fallada đã quyết định viết cuốn sách một năm sau khi nhận được hồ sơ, vào mùa thu năm 1946. Ông đã viết Đời ai nấy chết chỉ trong 24 ngày và qua đời vài tháng sau đó, vài tuần trước khi cuốn sách xuất bản.
Đời ai nấy chết là một trong những tiểu thuyết chống phát xít đầu tiên do người Đức viết sau Thế chiến thứ hai. Thông điệp của tác phẩm về sự can đảm và sự kiên trì trong đấu tranh chống lại sự bất công và thù địch vẫn sống mãi. Đây cũng được coi là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của Hans Fallada, được coi là một biểu tượng về sự kiên cường và sự đấu tranh cho tự do và nhân quyền.
Hans Fallada (1893-1947) Hans Fallada là bút danh của Rudolf Ditzen – một trong những nhà văn Đức nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Đời ai nấy chết của Fallada là một trong những cuốn tiểu thuyết chống Đức Quốc xã đầu tiên được một người Đức viết sau Thế chiến hai. Năm 2009, cuốn tiểu thuyết được phát hành bằng tiếng Anh và trở thành “sách bán chạy bất ngờ” ở cả Mỹ và Anh.
Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.