Review Sách

Đôi mắt của Mona – Thomas Schlesser

Đôi mắt của Mona là tiểu thuyết của tác giả người Pháp Thomas Schlesser với câu chuyện về cô bé Mona mười tuổi có khả năng bị mù vĩnh viễn. Hành trình của Mona và ông ngoại là những hành lang trong các bảo tàng Louvre, Orsay và Beaubourg đầy mới mẻ và bí ẩn. Đôi mắt của Mona vừa là một câu chuyện cảm động về tình yêu của gia đình, vừa như một con đường “nhập môn” và truyền cảm hứng cho những độc giả yêu thích hội họa.

Tiểu thuyết Đôi mắt của Mona của nhà sử học nghệ thuật người Pháp Thomas Schlesser được ra mắt lần đầu năm 2024 và nhanh chóng trở thành tác phẩm được bạn đọc yêu thích. Nội dung câu chuyện kể về cô bé Mona mười tuổi phải đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh viễn. Với nỗi lo lắng cô bé sẽ không chấp nhận được việc này, gia đình muốn Mona có được sự chuẩn bị bằng cách đi gặp bác sĩ tâm lý. Ông ngoại cô bé đã nhận nhiệm vụ này nhưng thay vì đưa Mona đến bác sĩ, ông đã đưa cô bé đến với các bảo tàng nghệ thuật. Ông ngoại nghĩ rằng, nếu có bị mù thì đôi mắt của Mona cũng nên được lưu lại những hình ảnh và màu sắc đẹp đẽ của nghệ thuật. Và hành trình năm mươi hai tuần – các chiều thứ Tư – đã mang đến cho Mona cùng độc giả sự khám phá tuyệt vời những tác phẩm nghệ thuật kinh điển tại các bảo tàng lớn ở Paris là Louvre, Orsay và Beaubourg.

Đôi mắt của Mona – Thomas Schlesser. Ảnh: Thu Trang

Với Đôi mắt của Mona, Thomas Schlesser mang đến câu chuyện ý nghĩa về cách đối diện với những khó khăn bất ngờ ập đến. Có ba nhân vật xoay quanh đời sống của Mona và căn bệnh là bố mẹ cô bé và ông ngoại. Trong khi người bố với những khó khăn của riêng mình và luôn chìm ngập trong men rượu, mẹ cô bé dường như không thể chấp nhận việc con mình có thể bị mù thì ông ngoại Henry lại hoàn toàn khác. Ông luôn như thần tượng của Mona, nói chuyện với cô bé như người lớn và là một người yêu nghệ thuật. Ông muốn để đôi mắt xinh đẹp của Mona được lưu lại những màu sắc, hình dáng, ánh sáng đẹp nhất thông qua những tác phẩm của các danh họa. Không chỉ vậy, từ những tác phẩm hai ông cháu ngắm nhìn, ông ngoại Henry còn cho Mona biết những câu chuyện về cuộc đời họ, những khó khăn mà họ từng trải qua. Mỗi lần gặp một tác phẩm mới, Mona sẽ bắt đầu với việc ngắm nhìn trong khoảng thời gian nhất định mà không ngay lập tức hỏi ông. Rồi cô bé sẽ đưa ra nhận xét của mình, những băn khoăn và rồi tiếp nhận từ ông những thông tin mới trong cuộc thảo luận của hai ông cháu. Rồi sau mỗi tuần, Mona dường như trưởng thành hơn và bộc lộ mắt nhìn nghệ thuật tinh tế dù vẫn ngây thơ. Cô bé cũng đối diện với những điều trong cuộc sống với cách nhìn bình tĩnh, nhẹ nhàng.

Cùng với câu chuyện về Mona và cái kết đầy cảm động, tiểu thuyết của Thomas Schlesser được coi là một cuốn sách nhập môn và truyền cảm hứng cho những độc giả yêu thích hội họa. Không tham lam với lượng tác phẩm lớn, mỗi tuần ông ngoại chỉ để Mona xem một tác phẩm duy nhất và cùng trò chuyện với cô bé về tác phẩm đó. Ông không nói quá nhiều về bức tranh mà để Mona tự khám phá. Sau đó, ông sẽ mang đến cho cô cháu gái những thông tin tác giả và tác phẩm mà ông đã chọn lựa thật kỹ để cô bé có thể hiểu và cảm nhận. Mỗi chiều thứ Tư trong năm mươi hai tuần là khoảng thời gian để Mona sống trong những màu sắc, đường nét, sự kì diệu của ánh sáng và cả những cảm xúc mới lạ. Những độc giả cũng từ đó được tiếp cận và hiểu thêm những thể hiện rất đời sống trong tác phẩm mà không phải ai cũng biết. Các tác phẩm sẽ “tác động lên con mắt bên trong của người xem”. Những Sandro Botticelli, Raphael, Leonardo de Vinci, Goya hay Monet, Vermeer… sẽ không chỉ còn là những cái tên xa vời mà được tác giả đưa đến gần gũi, dễ cảm nhận hơn rất nhiều.

Đôi mắt của Mona – Thomas Schlesser. Ảnh: Thu Trang

Phong cách viết của Thomas Schlesser trong Đôi mắt của Mona gần gũi, đậm chất triết lý và là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật với cảm xúc cá nhân. Nhịp truyện khá chậm để người đọc cảm nhận sâu những ý nghĩa câu chuyện của cả Mona lẫn những tác phẩm nghệ thuật. Căn bệnh đột ngột của Mona khiến người ta giật mình nhận ra rằng, có thể họ đã để nhiều điều đẹp đẽ và ý nghĩa trôi qua, chưa kịp ngắm nhìn trước khi không thể làm việc đó được nữa. Đôi mắt không chỉ để “thấy” mà còn để “nhìn” và giúp bạn cảm nhận, lưu giữ những gì đẹp đẽ. Đôi chỗ có thể thấy câu chuyện mang đậm tính giáo huấn nhưng với nhân vật chính là một cô bé và ông ngoại của mình thì đây là điều có thể chấp nhận được. Đặc biệt, ngay từ đầu tác giả đã khéo léo đặt chi tiết cô bé Mona thích ông nói chuyện với mình như người lớn và có khả năng cảm nhận tác phẩm hội họa tinh tế nên những đoạn nói về tác giả, tác phẩm cũng có thể hiểu được. Trên hết, tình cảm của ông cháu Mona gắn bó, như một liều thuốc nhẹ nhàng giúp cho những khó khăn của Mona có thể vượt qua.

Đôi mắt của Mona là cuốn sách “nhập môn” hội họa dễ chịu vì không sử dụng những ngôn ngữ hàn lâm hay phân tích học thuật khiến người đọc khó hiểu. Mỗi tác phẩm được giới thiệu đến người đọc đều thông qua những phần đối thoại vừa phải và tự nhiên giữa hai ông và cháu sẽ giúp độc giả không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận thông tin mà còn cảm nhận tác phẩm. Những tác phẩm được giới thiệu có thời gian sáng tác từ khoảng thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 21 mang đến độc giả một lược sử nghệ thuật ấn tượng, cô đọng và cuốn hút.

Với Đôi mắt của Mona, Thomas Schlesser đã thành công trong việc kết hợp văn chương cùng hội họa. Cách kể chuyện giàu hình ảnh cùng những bức danh họa được in trong sách giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm. Một tác phẩm thú vị cho bạn đọc yêu hội họa.

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM

 

Please follow and like us:
Pin Share

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *