Review Sách

Đừng nói chuyện với cô ấy – Ngộ Cẩn

Một phụ nữ khoảng 30 tuổi “trói gà không chặt” bỗng một ngày ra đầu thú về việc mình đã giết hại hàng loạt người trong hơn 3 năm. Vậy có điều gì đặc biệt khiến họ không nên nói chuyện với cô ấy? Có điều gì bí ẩn đằng sau những vụ tự sát hay chết do tai nạn của nạn nhân liên quan đến người phụ nữ này? Đừng nói chuyện với cô ấy của Ngộ Cẩn là cuốn tiểu thuyết trinh thám tâm lý được nhiều người yêu thích của văn học Trung Quốc.

Đừng nói chuyện với cô ấy của Ngộ Cẩn là câu chuyện xoay quanh nhân vật Diệp Thu Vi, một phó giáo sư trẻ nhất trong lịch sử của một trường đại học danh tiếng. Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết trinh thám này được miêu tả là một người phụ nữ xinh đẹp, yêu đuối và vô hại. Một ngày nọ, Diệp Thu Vi ra đầu thú và khai báo “trong 3 năm qua đã giết hại hơn 20 người”. Thế nhưng theo điều tra của cảnh sát, con số khiến người ta liên tưởng đến những tên sát nhân hàng loạt nổi tiếng trong lịch sử nhân loại này không hề đơn giản như thế.

Sau khi trình báo, những câu chuyện của Diệp Thu Vi mở ra các bí ẩn đằng sau những vụ án nhưng không hề giống những vụ án thông thường. Tại sao Diệp Thu Vi lại nói rằng cô ta giết bọn họ khi nạn nhân đã chết do tự sát, bị xe đâm, bị người khác bắn chết hay bị vợ đẩy ngã từ trên lầu cao? Qua Đừng nói chuyện với cô ấy, Ngộ Cẩn cho độc giả thấy được sự tuyệt vọng, sụp đổ, tự hủy hoại mình hay quyết định tự vẫn nhiều người đã bị can thiệp một cách rất tinh vi, dù vô tình hay hữu ý. Lấy học thuyết về tâm lý học và phân tâm học của Sigmund Freud làm nền móng, Ngộ Cẩn đã xây dựng nên một nhân vật tưởng chừng vô hại nhưng có thể dùng tâm lý để phạm tội, lời nói để giết người. Hay còn được gọi là hành vi “ám thị giết người”.

Đừng nói chuyện với cô ấy. Ảnh: PNHA

Với những thông tin này, liệu bạn có hy vọng vào muộn cuốn tiểu thuyết trinh tham hấp dẫn và cuốn hút? Đừng nói chuyện với cô ấy của Ngộ Cẩn là cuốn tiểu thuyết được đông đảo độc giả yêu thích không chỉ vì những điều thú vị về tâm lý được chia sẻ cũng như diễn biến của nội dung. Tuy nhiên đây không phải là cuốn sách tôi đánh giá cao vì những điều cảm thấy hạn chế. Quan trọng nhất chính là sự thiếu chặt chẽ của tình tiết trong truyện.

Câu chuyện được bắt đầu bằng việc phóng viên Trương làm việc ở mảng tâm lý tội phạm trên một tờ báo về pháp luật cần phải viết bài cho số báo mới. Sau đó anh được giới thiệu với một nữ tội phạm đã giết 20 người bằng phương pháp ám thị và có những phỏng vấn về quá trình phạm tội của cô ta. Trong phần mở đầu này độc giả sẽ thấy những lời rào đầu rất ấn tượng về tâm lý, về khả năng giết người chỉ bằng lời nói. Cùng với đó, sự úp mở về những kẻ liên quan đến âm mưu nào đó dần được hé lộ khiến người đọc kỳ vọng. Độc giả sẽ có cảm giác như mở mang khi được cung cấp rất nhiều thông tin về tâm lý, về những gì sự thao túng tâm lý có thể tạo ra. Đây chính là một điểm nhấn lớn giúp Đừng nói chuyện với cô ấy thu hút độc giả. Thế nhưng những điều đó chưa đủ để tạo nên một tác phẩm trinh thám hay.

Một tác phẩm trinh thám tâm lý hay sẽ bị cuốn hút độc giả vào từng trang sách, sống cùng nhân vật với những cảm xúc hồi hộp, lo lắng và sợ hãi. Những miêu tả tinh tế, những cú plot twist sẽ khiến người đọc cảm thấy ấn tượng. Và hơn hết, đó là tính hợp lý và chặt chẽ trong kết cấu câu chuyện. Như đã nói, những thông tin về phân tâm học được nhắc đến rất nhiều nhưng điều còn thiếu trong Đừng nói chuyện với cô ấy của Ngộ Cẩn chính là thiếu tính hợp lý. Sự thiếu hợp lý trong các tình tiếp khiến cho kết cấu truyện trở nên thiếu chặt chẽ và mà mang đến cảm giác thiếu chân thực. Giọng văn đều đều, hành văn rườm rà và những diễn biến có phần khiên cưỡng khiến cho câu chuyện không duy trì được sự cuốn hút ban đầu. Có thể do tôi là kiểu độc giả không phù hợp với kiểu nhân vật “bàn tay vàng” như Diệp Thu Vi trong Đừng nói chuyện với cô ấy của Ngộ Cẩn nên đã không đánh giá cao cuốn sách này.

Tuy Đừng nói chuyện với cô ấy của Ngộ Cẩn không thực sự phù hợp với bản thân tôi nhưng đây vẫn là cuốn sách nhận được đánh giá 4,19* tại Goodreads.com. Những chi tiết thao túng tâm lý cũng vẫn khiến nhiều người đọc thích thú. Cũng có thể tập 2 của câu chuyện sẽ cuốn hút hơn. Biết đâu đấy?!?

Hãy trải nghiệm câu chuyện bởi chính bạn và chia sẻ cùng SachXanhXanh.Com nhé!

Lá Xanh

Vui lòng ghi rõ nguồn blog review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *