Review Sách

Dưỡng đường đồng hồ cát – Bruno Schulz

Review sách hay – Nếu bạn muốn tìm kiếm một bậc thầy về sử dụng từ ngữ và miêu tả thì Bruno Schulz chính là một trong những cái tên mang lại sự thán phục. Một trạng thái khá kì lạ có thể mang lại khi đọc Dưỡng đường đồng hồ cát chính là rất e dè trước khi mở sách nhưng sau mỗi đoạn văn sẽ là cảm giác phấn khích khi được thưởng thức từng câu chữ. Sau Những hiệu quế, FORMApubli tiếp tục mang đến cho đọc giả một tuyển tập truyện ngắn siêu ấn tượng của nhà văn người Ba Lan Bruno Schulz.

Dưỡng đường đồng hồ cát của Bruno Schulz là tập truyện với 12 truyện ngắn là: Thuở Thiên Tài, Xuân, Một đêm tháng Bảy, Bố tôi gia nhập đội cứu hỏa, Mùa Thu thứ hai, Mùa chết, Dưỡng đường đồng hồ cát, Dodo, Edzio, Người về hưu, Nỗi cô đơn, Cuộc tẩu thoát cuối cùng của bố. Vẫn là giọng văn cuốn hút một cách kỳ lạ như ở Những hiệu quế nhưng ở tập truyện thứ hai này, Bruno Schulz mang đến một độ phức tạp ấn tượng hơn. Dưỡng đường đồng hồ cát mang đậm ý nghĩa triết lý về thời gian, ký ức và những ý nghĩa của cuộc sống. Mỗi một truyện ngắn như một chiếc hộp với những kích cỡ khác nhau và người đọc, sẽ khám phá từ ngoài vào trong và bất chợt nhặt được chiếc chìa khóa bật ra từ tâm trí để mở chiếc hộp ấy.

Dưỡng đường đồng hồ cát, sự kịch tính và mơ hồ luôn tràn ngập cả cuốn sách. Bạn sẽ choáng ngợp với Thuở Thiên Tài, sẽ chậm rãi gặm nhấm từng trang Xuân, sẽ sầu muộn với Dưỡng đường đồng hồ cát hay cảm thấy chẳng còn phi lý nữa với Cuộc tẩu thoát cuối cùng của bố. Vẫn là thể loại tiểu thuyết dòng chảy đầy kì ảo và bí ẩn, Bruno Schulz mang đến cho độc giả câu chuyện về những nhân vật quen thuộc như cậu bé, ông bố và bối cảnh cũng là thị trấn nhỏ như ở Những hiệu quế. Có điều, những câu chuyện trong Dưỡng đường đồng hồ cát sẽ chứa đựng cảm giác trừu tượng hơn khi đầy những ẩn dụ cho sự biến dạng của thời gian, nơi quá khứ và hiện tại hòa lẫn để tạo nên một không gian phi thực.

Dưỡng đường đồng hồ cát – Bruno Schulz

Ở truyện ngắn Dưỡng đường đồng hồ cát, một nơi có khả năng điều chỉnh – quay ngược thời gian cho độc giả nhìn thấy thời gian như một thực thể có thể nhìn thấy, cầm nắm và cắt xé. Thay vì chỉ là một dòng chảy tuyến tính, thời gian linh hoạt với những biến dạng theo cảm xúc và kỷ niệm. Những ký ức về người cha của Jozef vừa hiện rõ, vừa mơ hồ như cách ông ở tình trạng lưng chừng giữa sự sống và cái chết. Sự tiếc nuối phảng phất trong câu chuyện mang đến cho độc giả cảm giác buồn thấm dần và để lại dư âm mãi sau khi đọc. Với cách viết tài tình của mình, Bruno mang đến cách nhìn nhận mới về thời gian liên tục biến đổi và va chạm được với bản thân mỗi người.

Dù là tập truyện ngắn nhưng các câu chuyện đều sử dụng biện pháp dòng chảy không có tuyến tính thời gian nên đôi khi người đọc sẽ cảm thấy như đọc một cuốn tiểu thuyết. Cách thức miêu tả, lối văn ẩn dụ của Bruno Schulz sẽ mang đến sực choáng ngợp. Sự biến dạng của thời gian và ký ức trong Dưỡng đường đồng hồ cát được thể hiện một cách rõ ràng khi những ký ức vừa là sự tồn tại mơ hồ nhưng cũng sống động. Ở đó, nhân vật Jozef lang thang từ những tháng ngày tuổi thơ ở Thuở Thiên Tài với người cha và lời giải thích cuốn sách thần thánh qua người cha lững lờ giữa sống và chết ở Dưỡng đường đồng hồ cát. Hành trình hoài niệm về tuổi thơ giúp nhân vật chính đối diện với những khía cạnh sâu kín trong tâm hồn qua những hình ảnh giản đơn mà mộng mị. Nhân vật người cha như người bạn đồng hành xuyên suốt qua nhiều truyện ngăn như là một biểu tượng cho sự tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Nơi Jozef đi qua, ông từng tồn tại và biến mất.

Điểm nhấn xuyên suốt Dưỡng đường đồng hồ cát chính là sự méo mó của thời gian và trạng thái không ổn định, sợ hãi, căng thẳng của nhân vật Jozef. Theo một góc nhìn khác, đây được coi là sự phản ánh thời kỳ khủng hoảng ở châu Âu khoảng giữa thế kỷ 20 khi tác phẩm ra đời. Nỗi sợ hãi và sự bất an của xã hội luôn thường trực khi những biến động từ chính trị, kinh tế, xã hội, và văn hóa không ngừng xảy ra. Sau sự sụp đổ của các đế chế lớn Áo-Hung, Đức, Ottoman, và Nga gây ra ở thế chiến I (1914–1918) và thế chiến II (1939–1945) thì châu Âu chìm trong sự tàn phá. Dưỡng đường đồng hồ cát được xuất bản năm 1936 cũng là thời điểm sau suy thoái kinh tế toàn cầu 1929–1933 làm gia tăng thất nghiệp, phá sản, và bất ổn xã hội. Trạng thái khủng hoảng châu Âu giữa thế kỷ 20 trong tập truyện ngắn của Bruno Schulz được thể hiện ở những giá trị nền tảng mơ hồ, xê dịch, đầy rẫy sự bồn chồn, lo lắng và trở thành những điều siêu thực.

Dưỡng đường đồng hồ cát – Bruno Schulz. Ảnh: Thu Trang

Có thể nói, Dưỡng đường đồng hồ cát của Bruno Schulz như mang đến một chuyến đi đầy suy tưởng cho người đọc. Những điểm dừng thời gian từ thơ ấy đến khi trưởng thành, hành trình đi tìm ý nghĩa của của cuộc sống hay bản chất của sự tồn tại. Đây được đánh giá là một tác phẩm phức tạp, đầy tính biểu tượng và triết lý về các khía cạnh của thời gian, ký ức. Sự kỳ ảo, mộng mị trong từng câu chữ khiến độc giả đắm mình trong các không gian cùng nhân vật “tôi” và đi qua những “vùng đất thiêng” của anh ta. Bruno Schulz lần theo những dấu vết nhỏ bé tưởng như chưa từng tồn tại, những tín hiệu mập mờ để rồi thổi phòng hay bóp méo, tô màu hay biến chúng thành một dải dám dài không điểm dừng. Những cảnh trí huyễn tưởng mơ hồ không ngừng biến đổi kia khiến chúng dường như không có giới hạn nào cho ta dừng lại. Mọi vật như hòa chung vào một bối cảnh nơi “tôi’ xuất hiện nhưng cũng mang đến cảm giác cô đơn, chơi vơi không nơi bấu víu.

Với Dưỡng đường đồng hồ cát, Bruno Schulz khẳng định giá trị ngòi bút của mình với một tác phẩm đầy tính triết học, không chỉ chứa đầy mộng mị mà còn đầy những suy ngẫm về con người, thời gian và ký ức. Một tác phẩm siêu ấn tượng của văn học Ba Lan!

Bruno Schulz (12/7/1892 – 19/11/1942) là một nhà văn, họa sĩ, nhà phê bình văn học và giáo viên nghệ thuật người Ba Lan gốc Do Thái. Ông được coi là một trong những tác giả Ba Lan vĩ đại của thế kỷ 20 và có nhiều tác phẩm đã bị mất trong Holocaust. Ông bị ám sát bởi một sĩ quan Đức Quốc xã vào năm 1942. Những cuốn sách được  xuất bản tại Việt Nam gồm có 2 tập truyện ngắn Những hiệu quế, Dưỡng đường đồng hồ cát.

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *