Đường vinh quang – Humphrey Cobb
Đường vinh quang là tiểu thuyết của nhà văn người Mỹ gốc Canada Humphrey Cobb (1899–1944) được ra mắt lần đầu năm 1935. Tác phẩm phản chiến lấy bối cảnh là chiến hào một trận đánh giữa quân Pháp và quân Đức trong Thế chiến thứ nhất. Với kinh nghiệm chiến trường của mình, Humphrey Cobb đã mang đến một Đường vinh quang dường như có phần lạnh lùng nhưng đầy tính chân thực. Một bức tranh nhàu nát về chiến tranh, quyền lực và những gì phi lý, tàn nhẫn ở trong đó. Có thể nói, đây là một tác phẩm không thể bỏ qua của dòng văn học phản chiến.
Câu chuyện trong Đường vinh quang của Humphrey Cobb diễn ra tại một điểm giao chiến giữa quân đội Pháp và quân Đức. Sư đoàn trưởng Assolant đầy tham vọng ra lệnh cho một trung đoàn tấn công một vị trí kiên cố của địch, sau khi đã tham gia trận đánh trước đó. Một trung đoàn với những người lính kiệt quệ về thể chất, đánh vào một hàng phòng ngự kiên cố của địch trong thời tiết xấu được coi là một nhiệm vụ bất khả thi. Thế nhưng cuộc tấn công vẫn được diễn ra theo lệnh của chỉ huy và cuối cùng là thất bại thảm hại với những tổn thất nặng nề. Để che đậy sai lầm của mình, vị tướng này đã quyết định ra những người lính bất kì để xử tội hèn nhát và buộc họ phải chịu trách nhiệm cho thất bại của trận đánh. Cuối cùng, ba người lính đã được đưa ra tòa án binh để trở thành vật tế thần cho sự bất tài của cấp trên, sự tối tăm của quyền lực.

Được viết dựa trên một câu chuyện có thật, Đường vinh quang không giống với bất cứ một “bản anh hùng ca” nào để tô vẽ về chiến tranh. Đại tá Dax – chỉ huy trung đoàn 181, người nằm trong danh sách những người sắp lên tướng và được đề cử nhận huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, bốn lần được tuyên dương anh dũng – có một nỗi sợ và sắp hoảng loạn. Ông sợ hãi tột độ khi: “Ba ngàn người. Lính của mình. Chạy qua đoạn đường đày đọa trống trải đã bị chấm tọa độ với ba ngàn người. Tất cả đã gói ghém kỹ càng để vào lò sát sinh.”. Dax – một sĩ quan chỉ huy đầy lòng trắc ẩn đã luôn sợ hãi cho số phận những người lính chứ không phải bản thân mình. Ông đã phải thi hành những lệnh từ cấp trên trong trận đánh, ông đã cố gắng bảo vệ những người lính vô tội của mình nhưng đến cuối cùng chỉ còn sự bất lực.
Sư đoàn trưởng Assolant – một tướng lĩnh đầy tham vọng, sẵn sàng hy sinh binh lính để có thể thăng tiến, kẻ luôn có sự thèm thuồng với những huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Kẻ đã ra lệnh tấn công một vị trí địch bất khả thi trong khi binh lính đã chiến đấu và hành quân mệt mỏi. Kẻ đã cho đại bác bắn vào vị trí những người lính của mình để đẩy họ tiến lên vì cho rằng họ hèn nhát. Khi thất bại, Assolant tìm cách đổ lỗi cho binh sĩ và ra quyết định xử tử họ để làm gương. Trớ trêu thay, tất cả bắt nguồn từ một tờ quân lệnh bị viết sai, và Tư lệnh Tập đoàn quân muốn “dùng lưỡi lê để chiếm lấy cái mà đứa vẩy mực ở Tổng Hành dinh đã vô ý chiếm được bằng đầu ngòi bút của nó!”. Đây chính là biểu tượng của sự vô nhân đạo của những kẻ nắm quyền lực trong giới chỉ huy quân đội.
Và những người lính – những con tốt thí, những vật tế thần cho quyền lực – những người hô vang “Vive la France!” ngày đầu vào quân ngũ không thể ngờ rằng kết thúc của mình có thể trở thành người bị đồng đội bắn, hoặc bắn chính đồng đội của mình. Một Langlois đã trải qua tháng ngày chinh chiến trở lại quân ngũ sau kì nghỉ phép, một người yêu gia đình, có trong mình sự lãng mạn và bình tĩnh đón nhận những điều xảy đến. Một Didier luôn biết mình đang ở đâu trên con đường hành quân, một lính trinh sát kì cựu tài năng luôn hoàn thành nhiệm vụ. Một Férol từng là trộm cắp, tiến lên khi được ra lệnh và không suy nghĩ bất cứ điều gì phức tạp. Langlois ra tòa vì một sai sót khi bốc thăm chọn người. Didier ra tòa vì anh biết sự bất tài của người sĩ quan chỉ huy của anh ta. Férol từng là tội phạm nhưng có người còn phạm tội nặng hơn anh ta. Férol được chỉ huy của mình chọn ra tòa bởi vì anh không phải người Do Thái, nếu người Do Thái ra tòa thì sự chắc chắn về việc bị “bắn bỏ” không còn nữa.

Đường vinh quang của Humphrey Cobb là tác phẩm phản chiến phơi bày sự phi lý và tàn bạo của chiến tranh, nơi những người lính bị đẩy vào những nhiệm vụ bất khả thi chỉ để phục vụ tham vọng của cấp trên. Ở đó, những người chỉ huy quyền lực sẵn sàng đổ lỗi cho người lính để che đậy sai lầm của mình. Đại tá Dax đại diện cho công lý và lòng trắc ẩn nhưng cuối cùng, ông vẫn thất bại trước một hệ thống đầy rẫy sự thối nát. Để đi đến cùng là một kết thúc gây phẫn nộ và đau xót. Tác phẩm khắc họa một cách chân thực những bi kịch của những người lính trong chiến tranh – những người không có quyền lựa chọn số phận của mình.
Cách viết trong Đường vinh quang thiên về tường thuật câu chuyện mà không có nhiều miêu tả về cảm xúc. Điều này có thể khiến người đọc cảm thấy tác phẩm của Humphrey Cobb có phần khô khan và đôi khi khó đọc. Tuy cốt truyện có ít nút thắt bất ngờ nhưng vẫn bản thân các chi tiết có sự ấn tượng nên Đường vinh quang vẫn đủ sức hút cho độc giả quan tâm đến chủ đề của tác phẩm.
Humphrey Cobb (1899–1944) là một nhà văn và nhà biên kịch người Mỹ gốc Canada. Ông được biết đến nhiều nhất với tiểu thuyết Đường vinh quang (1935) và tác phẩm đã được chuyển thể thành phim năm 1957.
Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.