Em làm ơn im đi, được không? – Raymond Carver
Cách đây khoảng hơn chục năm, tôi đọc rất nhiều truyện Mỹ. Hồi đó, truyện của Sidney Seldon có khi phổ biến hơn cả ngôn tình bây giờ. Cả những tác giả khác tôi cũng đọc khá nhiều, chủ yếu là tiểu thuyết tình cảm. Nhưng nhiều năm trở lại đây tôi không đọc nhiều nữa. 1 năm tầm 1, 2 cuốn những lúc muốn đầu óc nhẹ nhàng. Với ấn tượng về những cuốn sách từng đọc rất nhiều đó thì nói thực, tôi không hề thích văn Mỹ. Cảm giác giống như một món ăn với nguyên liệu như nhau, nhưng “món” văn Pháp là sự hài hòa giữa màu sắc, hương vị và đầy sự tinh tế thì “món” văn Mỹ cứ phải phơi hết ra tất tần tật trước mắt thực khách vậy. Đây là dựa trên những hiểu biết hạn hẹp của tôi cho đến thời gian gần đây.
Nói về Raymond Carver. Tôi mua Em làm ơn im đi, được không? vì được biết Raymond Carver là người có ảnh hưởng rất lớn đến những sáng tác của Haruki Murakami. Ở Raymond Carver, tôi tìm thấy những điều rất khác. Em làm ơn im đi, được không? của Raymond Carver không phải là những câu chuyện tình cảm lãng mạn, phiêu lưu, trinh thám giống như các bộ phim. 24 truyện ngắn trong cuốn này đều khiến tôi có cảm giác khá ngột ngạt và có phần nào ám ảnh. Nhưng câu chuyện tưởng như rất nhỏ nhưng lại lấn quấn, len lỏi vào suy nghĩ của người đọc. Những phòng ngủ – phòng bếp gia đình, trong phòng khách nhà hàng xóm, trong cửa hàng tiện lợi… đều làm mình cảm thấy như bị bó lại trong không gian hẹp và đầy ắp những áp lực. Chất Mỹ ở đây có phần kìm nén, bí ẩn và giàu suy tưởng.
Trong Em làm ơn im đi, được không? của Raymond Carver – những câu chuyện không hề có cao trào. Có những mẩu truyện ngắn và có những truyện rất ngắn. Những câu thoại trong truyện cũng rất ngắn. Đa phần đều về những việc diễn ra hàng ngày với những tình huống, hành vi cư xử rất đời thường. Thế nhưng khi đọc lại cảm thấy bị dồn nén, hơi hồi hộp và căng thẳng. Tôi cảm nhận về sự bất toàn sâu sắc. Tất cả như diễn ra trong không gian kín với cường độ âm thanh cực lớn, những gì diễn ra đang được dồn để một lúc nào đó – mọi thứ sẽ tan tành. Mà phải cái, có những lúc sự tan tành đó lại rất được mong muốn.
Tôi đọc khá nhiều truyện ngắn và thấy đọc truyện ngắn khá mệt. Cả câu chuyện với ý nghĩa được cô đọng trong ít dòng chữ và người đọc cũng cần bắt nhịp với điều đó. Em làm ơn im đi, được không? cũng không phải là ngoại lệ, hoặc làm người ta mệt hơn. Tuy nhiên, giọng văn của Raymond Carver rất cuốn hút khi làm người đọc không thể đọc nhanh nhưng không muốn bỏ một chữ nào.
Thực sự không quá khi nói rằng, có những lúc tôi cảm thấy bị thiếu không khí trong lúc đọc Em làm ơn im đi, được không? Tôi không biết “Những truyện ngắn của ông trở thành kinh điển mẫu mực của thời đại chúng ta” như thế nào. Chỉ là văn Mỹ của Raymond Carver, không chuẩn bị tinh thần cho tốt thì đọc sẽ thấy như bị đá tảng đè vậy. Và với Em làm ơn im đi, được không? – dù nhiều, dù ít thì người ta cũng sẽ ngẫm nghĩ về những khắc nghiệt của cuộc sống. Hoặc là sự bất toàn luôn hiện hữu.
Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.