Review Sách

Màu tím – Alice Walker

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Màu tím là mấy ngày liền cứ xuất hiện cuốn sách có chiếc khá xấu trên các nhóm đọc sách. Tôi nhớ mang máng về một cuốn sách “màu tím” nhưng không rõ là nhớ tên sách hay chỉ vì bìa sách là một mảng đậm nhạt đầy sắc tím. Có lẽ đối với tôi, được đọc Màu tím của Alice Walker là một trong những điều may mắn với việc đọc. Câu chuyện đầy ám ảnh, ngập tràn cảm xúc đã giúp Alice Walker – nữ tác giả người Mỹ gốc Phi đầu tiên giành giải Pulitzer là một bài ca về nữ quyền đầy ắp nghị lực, tình yêu và niềm hy vọng.

Nội dung của Màu tím (1982) là những bức thư được nhân vật chính Celie viết gửi Chúa và chị em họ – Celie cùng Nettie gửi cho nhau trong suốt nhiều thập kỷ. Celie – một đứa trẻ bị người cha bạo hành và lạm dụng, có sự cam chịu như đó là những gì tự nhiên nhất. Trong khi đó, Nettie là cô gái thông minh có sự mạnh mẽ, sáng suốt để biết những gì đang xảy ra là không đúng. Dù bị chia cách qua nhiều thập kỷ nhưng hai chị em họ vẫn luôn có lòng tin, hy vọng dành cho nhau cùng tình cảm không thể đong đếm được. Những bức thư, từ khi còn niên thiếu cho đến lúc mái đầu điểm bạc đã như sợi dây nối dài hy vọng, như chiếc neo níu giữ và tiếp thêm sức mạnh cho họ.

Màu tím – Alice Walker

Được đánh giá là 1 trong những nữ tác giả có ảnh hưởng nhất thế giới, tác giả người Mỹ gốc Phi Alice Walker đã mang đến cho độc giả cái nhìn chân thực, sắc bén và đầy cảm xúc qua những tác phẩm của mình. Với Màu tím, Alice Walker như từ đằng sau, đẩy thẳng người đọc vào một thế giới hỗn độn, nơi họ chưa từng biết đến trước đó. Nơi mà nếu không có sự chuẩn bị, họ ngay lập tức nôn nao, choáng váng và tự hỏi không biết điều gì đang diễn ra. Sự hỗn độn tác động đến từng giác quan của họ. Không hề là những miêu tả sắc sảo với những ngôn từ tinh tế hay ẩn dụ khó hiểu, Màu tím bắt đầu với bức thư sai chính tả của Celie – một đứa trẻ 14 tuổi da đen, ít học. Những bức thư ngắn gọn, ngây ngô với nội dung khiến biết bao độc giả có thể bị chấn động bởi việc bị bạo hành, lạm dụng xảy ra như những gì bình thường nhất. Rồi ta hoang mang, không biết liệu rằng những bi kịch đó có thể bị đẩy đến đâu? Thế giới của Celie, Nettie hay những người phụ nữ da đen bé nhỏ liệu có thể nhìn thấy ánh sáng?

Alice Walker đã cho độc giả thấy được một bức tranh đầy màu sắc dữ dội về những người phụ nữ da đen Mỹ gốc Phi và cả những người châu Phi đang sống ở bản địa trong Màu tím. Những hủ tục lạc hậu, phân biệt màu da, giới tính khiến họ luôn phải vật lộn với cuộc sống và với chính bản thân mình. Qua các bức thư, độc giả sẽ được thấy một thế giới phi văn minh, một thế hệ phụ nữ trong cộng đồng người da đen tại Mỹ bị chà đạp không chỉ bởi người da trắng mà còn bởi chính những người đàn ông của mình. Thế nhưng, cùng với việc phơi bày những góc tối đó, Alice Walker cũng cho người ta thấy sự phi thường trong cách bà cho những hy vọng được gieo mầm. Nếu bắt đầu với một Celie nhỏ bé, cam chịu thì ở trên con đường đi tiếp theo, Nettie, Shug Avery, Sofia, Mary Agnes, Tashi, Olivia lại như từng đốm lửa ngày càng cháy rực và soi sáng lối đi – không chỉ cho Celie mà cho cả một nửa thế giới. Với sự đồng cảm, sự trưởng thành, sự kiên cường, lòng vị tha – cùng nhau, họ làm thay đổi tương lai của bản thân, thay đổi thế giới.

Màu tím – Alice Walker

Tác phẩm của Alice Walker là một bài ca về nữ quyền, sự khẳng định vẻ đẹp lộng lẫy của những viên ngọc trai đen dám đứng lên bằng sự hiểu biết, niềm tin yêu cuộc sống và lòng tin vào chính bản thân mình. Màu tím không ngừng làm tôi cay mắt. Tôi không muốn khóc khi nhìn thấy số phận những người phụ nữ da đen bị chà đạp. Tôi phẫn nộ. Thế nhưng, trái tim tôi mềm đi ở những khoảnh khắc họ yêu thương. Khoảnh khắc Sofia và Celie cười sau khi xóa bỏ khoảng cách bởi lòng ghen tị của Celie; khi Shug hát bài hát dành cho Celie hay khi The Thé khẳng định tên mình là Mary Agnes. Sự xúc động xuyên suốt hành trình của những người phụ nữ đó. Sự ngưỡng mộ khi những người đàn ông của họ đã thay đổi và phải thực sự nhìn nhận những người phụ nữ mạnh mẽ xung quanh mình.
Đến cùng thì tình yêu, sự thấu hiểu, lòng tin chính là chìa khóa để những nhân vật của Alice Walker được hạnh phúc. Họ, như những mặt trời rực rỡ không gì có thể che mờ.

Alice Malsenior Walker (sinh ngày 9 tháng 2 năm 1944) là một nhà văn, người viết truyện ngắn, thơ, và nhà hoạt động chính trị người Mỹ. Tác phẩm Màu tím đã giúp bà giành được giải thưởng sách quốc gia và giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1983. Cuốn sách cũng được BBC News liệt kê vào danh sách “100 cuốn tiểu thuyết có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại”.

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *