Review Sách

Một ví dụ xoàng – Nguyễn Bình Phương

“Trong lỗ tai chứa bóng tối lùng bùng của những lời bí mật, có vô vàn câu chuyện. Trong vô vàn câu chuyện, có chuyện này…”

Đó là cách tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương bắt đầu và sau đó, những trang viết như xoáy vào tâm trí người đọc để lại những vết dằn. Một ví dụ xoàng giữa cuộc đời chỉ toàn là ví dụ là một bức tranh nhức nhối về đất chè trung du ngày ấy.

Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương là tiểu thuyết có cốt truyện của tiểu thuyết rất đơn giản xoay quanh câu chuyện về Sang. Anh được cử đi Liên Xô học, sau đó về nước, cảm thấy lạc lõng giữa đồng nghiệp rồi bỏ đi Na Rì đào vàng, cuối cùng anh cũng trở lại với giảng đường, lấy vợ, sinh con. Cuộc đời Sang hay bất cứ ai có lẽ đều thật bình yên khi chỉ có những đề mục được kể đến như thế. Thế nhưng từ một người có học vị, hiền lành, tử tế – đến cuối cùng, vì hai cân chè mà cuộc đời biến thành đau xót.

Một ví dụ xoàng – Nguyễn Bình Phương. Ảnh: Thu Trang

Tuy có cốt truyện đơn giản nhưng Một ví dụ xoàng được Nguyễn Bình Phương viết rất ấn tượng. Một câu chuyện cũ về một người cũ được kể lại từ rất nhiều góc nhìn với những người kể chuyện khác nhau. Với nhiều người, câu chuyện về Sang cũng không có gì nhiều, đó chỉ là câu chuyện về một anh tiến sĩ với hai cân chè rồi hai mạng người đã mất. Lại có người ghi nhớ từng ánh mắt, dáng hình, từng câu chuyện ấu thơ của người đàn ông ấy. Cùng với những mảnh ghép ban đầu được người kể đặt vào, sau đó là những đoạn ghi âm và câu chuyện được ráp lại đầy đủ từ nhân vật “khách”. “Khách” – nhà báo đi tìm hiểu về chuyện “Buồn vui thì cũng mục nát cả rồi” hay đứa con cặm cụi đi tìm những gì để hoàn thiện câu chuyện về cha mình – người cha trả án khi sáng đó con vẫn đến trường.

Một ví dụ xoàng mang đến cho người đọc cảm giác choáng váng, bàng hoàng về cái ác có thể hiện diện một cách rõ ràng, ngồn ngộn đến thế. Cái ác như bao trùm từ đầu đến cuối tác phẩm mà không điều gì có thể che giấu được. Những cái chết trong rừng, con mắt Ngạc bị chọc đến nát nhừ, loạn luân, những cái thai bị phá, người chồng giết vợ… Để rồi, những tiếng nói lương tâm chỉ như ánh sáng le lói chưa kịp tỏ đã bị vùi đi. Một người phụ nữ lái xe gây tai nạn chết người rồi đền cho gia đình họ bốn mươi triệu, trong đó có mười lăm triệu tiền bồi thường xe. Một mạng người chỉ rẻ đến thế. Ở đó, lương tâm hay tình người đều bị khuất phục trước quyền lực, trước những bi kịch của cơ chế, của tiền bạc.

Những tội ác khiến người ta lợm giọng được kể lại như một sự trần thuật rõ ràng, hiển nhiên trong Một ví dụ xoàng, mảnh đất trung du một thời đầy những hỗn độn, dân tứ xứ đến đào vàng đến đất Na Rì qua đó. Cũng trong lúc đó, những bi kịch của cơ chế, của trục lợi mọi nơi khiến cho cái ác nằm ngoài pháp luật hoành hành. Nếu như ở chương đầu Sang xuất hiện như một kẻ phong trần, mạnh mẽ coi vàng – thứ kim loại quý giá chỉ như hòn đất không giá trị thì đến cuối cùng, cuộc đời anh kết thúc chỉ bởi buôn thêm hai cân chè kiếm thêm vài đồng nuôi con. Có thể thấy sự tương phản này cho thấy sự diễn biến của thời cuộc có thể bóp nghẹt và khiến con người ta thay đổi đến thế nào.

Một ví dụ xoàng – Nguyễn Bình Phương. Ảnh: Thu Trang

Cùng với nội dung đầy sức nặng thì kết cấu của Một ví dụ xoàng cũng mang đến sức hút cho tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Với câu chuyện về con người và sự kiện cũ, tác giả không chỉ sử dụng điểm nhìn toàn tri mà còn có nhiều những góc nhìn khác của các nhân vật. Những lời kể của chính Sang, ông Chính, Uyên, Quyết khiến độc giả cảm nhận rõ nét nội tâm của từng người khi họ tự bộc lộ con người mình. Phần sau của tiểu thuyết là những “biên bản” được ghi âm lời của những người từng đi qua cuộc đời cũng như lướt qua vụ án của Sang. Họ là những người đồng nghiệp cũ vẫn còn sự hằn học; những người lòng có sự xót thương dành cho anh tiến sĩ ấy. Những lời kể của họ là những mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện bức tranh mà “khách” – con trai Sang muốn nhìn lại. Một bức tranh hiện thực khách quan, sắc nét đầy chân thực. Và những câu thơ thỉnh thoảng xuất hiện, như những lời nỉ non, thương xót cho phận đất, kiếp người.

Người lay người như lá
Lá úa theo đời
Mây cũng rơi…

Tuy có độ dày khiêm tốn và câu chuyện xoay quanh chỉ một nhân vật chính nhưng Một ví dụ xoàng lại cho người đọc cảm nhận một cách rõ nét những nhức nhối, đau xót của cả một thời kì đã qua. Một thời lương tâm không có giá trị, tình người là thứ phù du và sự lên ngôi của cái ác đầy đau đớn. Một cõi người bị tha hóa, lương tâm bị bán rẻ đã được Nguyễn Bình Phương kể lại trong Một ví dụ xoàng rất… không xoàng.

Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 tại Thái Nguyên. Ông bắt đầu tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du và bắt đầu viết từ năm 1986. Một số tác phẩm đã được xuất bản có thể kể đến như Vào cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt Kỳ Thủy, Mình và họ, Kể xong rồi đi…

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *