Mùa hoa gạo tháng 3!
Ơ kìa giọt sương!
Chào tháng 3 khe khẽ
Thấy nụ cười mới mẻ
Ai cũng “Chào tháng 3!”
Lập xuân đã lâu lắm rồi nhưng những ngày gần đây tôi mới thực sự cảm nhận được bóng dáng mùa xuân. Nghĩa là, có một chút mưa phùn cho cây cối nảy lộc, lại có một chút se se mơn man trên cánh tay mình chứ không phải lạnh buốt của gió bấc. Lại có một chút như là hối hả nhưng lại nhẹ nhàng. Mọi thứ đều thật xinh tươi! Tôi cũng thấy như trong lòng mình có gì như muốn nhú ra. Một chiếc mầm nhỏ cho một vòng quay mới bắt đầu. Dù là gió mưa thuận lợi hay những bão giông, mầm nhỏ đều hết sức mà vươn nếu muốn quả ngọt cho ngày nào đó. Dù gì, cũng cứ nên cảm thấy hạnh phúc vì mình còn đang được thấy mùa xuân!
Rồi tôi chợt nhớ, tháng 3 cũng tới rồi. Tháng 3 là những cánh đồng lúa mới xanh non, là cây tầm xuân dịu dàng khoe sắc một mùa duy nhất. Và trong cái tháng cuối cùng của mùa xuân mát ngọt này, ta có cả những cây gạo cháy rực những góc trời.
Cách đây chừng gần ba mươi năm, ngay gần nhà có hai cây hoa gạo. Không biết hai cây gạo đó có từ khi nào nhưng vào những ngày thơ ấu của tôi, chúng đã đứng đó như hai người bạn từ lâu lắm rồi. Trong trí nhớ của tôi, hai cây gạo đó vừa rõ ràng lại vừa có vẻ mơ hồ. Mơ hồ vì cũng gần ba mươi năm rồi từ khi không còn trông thấy. Rõ ràng vì từng trò chơi với những nụ gạo, hoa gạo ngày ấy, cho đến giờ tôi vẫn nhớ y như ngày cũ. Những ai từng chơi cùng cây gạo, sẽ biết nhiều trò lắm. Những trò chơi của đám trẻ 8x, đầu 9x quê tôi ngày ấy, đến giờ nghĩ lại vẫn thấy ngọt ngào, xao xuyến.
Hai cây gạo làng tôi ngày đó rất cao so với bọn trẻ con chúng tôi. Đến giờ nghĩ lại, không biết hồi đó những nụ gạo được hái xuống hay rụng xuống kiểu gì để cái đội lít nhít 6, 7 tuổi lúc nào cũng có đồ chơi. Nụ gạo có lẽ là thứ đồ chơi non tơ nhất tôi từng gặp. Bọn trẻ con có thể chơi với nụ gạo lớn, nụ gạo nhỏ đến suốt cả ngày. Đám con trai lấy nụ gạo chơi cù, lấy nhị gạo móc vào nhau rồi giật coi cái nào “còn sống” đến cuối cùng. Bọn con gái chúng tôi thì lại chơi kiểu khác. Lớp ngoài cùng của nụ gạo xanh thật xanh và khá dày. Chúng tôi thường hay bóc lớp ngoài để chơi với nụ bên trong hồng hồng như nụ sen. Mỗi cánh sẽ có lớp lông tơ mỏng, mịn đẹp đẽ gì đâu! Ngắm chán, từng cánh “sen hồng” đó lại được bóc ra để trên bàn học. Sau lớp cánh hoa là những nụ dài ngắn nằm trật tự phía trong, chúng tôi lấy ra móc đầu nhị vào nhau rồi giật cho… rụng. Khi chơi đến những móc câu của nhị hoa là một vòng đời của nụ gạo kết thúc.
Mùa hoa gạo nở, rực cả một góc trời. Mà hoa gạo rụng thì cũng đỏ cả gốc cây. Bọn trẻ gần ba mươi năm trước, ở cái xóm nhỏ đường đất thì có gì chơi ngoài mấy bụi dành dành, vú vò, mía giò với các loại chuồn chuồn đâu. Thế nên mùa gạo nở là mùa hơi bị rực rỡ rồi. Vì hai cây gạo ở trong khuôn viên lớp làng nên chơi cũng tiện. Bông nào còn đẹp, còn lành lặn thì được mang vào đặt lên bàn học. Trưng thế, ngắm rồi xoay chán, đến lúc cánh bị dập thì bỏ đi. Bông nào cũ kỹ quá rồi thì lấy nhị móc nhau. Chơi kiểu như chơi cỏ gà, móc xem đầu nào rơi ra trước thì cái nhị đó bị thua. Chơi cũng hơi giống với nhụy hoa phượng vỹ. Ấy nhưng mà cũng không có gì bẩn hơn hoa gạo rụng mùa xuân. Cánh gạo dày, mọng nước rụng xuống, dập nát kết hợp với thời tiết nồm ẩm là một tổ hợp thực sự ám ảnh. Có cậu bé ngày ấy đến giờ còn nhớ rằng “Hoa gạo luôn thối dù trời mưa hay nắng, dẫm vào dễ ngã hơn cả vỏ chuối, mà cũng không có thứ hoa gì khác khi rụng nghe tiếng bẹt cả.”
Sau rồi gạo có quả. Trong quả gạo toàn bông là bông. Riêng vụ quả, tôi lại không nhớ là trẻ con bọn chúng tôi chơi cái gì với nó. Cũng vẫn cậu bé ngày đó kể rằng “Quả nổ vào mùa hè và bông không biết bay đâu hết.” Nếu có lần nào gặp, chắc chúng tôi cũng chỉ ngắm cho bông rụng xuống, kéo ra bóp vào như miếng bông gòn trong cái chăn bông hồi ấy.
Đến bây giờ, hiếm khi nào còn gặp lại cảm giác như với cây gạo hồi ấy. Giờ có viết thế này, nhưng cũng chỉ là nhớ lại phần nào. Đó, vừa rõ ràng nhưng cũng mơ hồ là thế. Những kí ức, khi nào cũng thân thương!
Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.