Review Sách

Mùi trần – Đỗ Phấn | Một tiểu thuyết về Hà Nội

Review sách hay – Có lẽ, nói quá một chút thì những tác phẩm viết về Hà Nội cũng chẳng ít hơn những tác phẩm viết về tình yêu là mấy. Những tác phẩm về Hà Nội xưa, Hà Nội nay và Hà Nội của những thế hệ khác nhau luôn thay nhau đến với các thế hệ độc giả. Thực tế, với thế hệ 8x thì những tác phẩm về Hà Nội thường khá cũ với nội dung quen thuộc về thời kì mở cửa, những ngôi nhà tập thể, nhà phố cổ cũ kỹ như một điều gì đó cố níu lại từ những ngày tháng cũ. Sự giằng co đó cứ tiếp diễn trong bao nhiêu năm và đôi khi, mang lại cho độc giả sự chán nản vì họ không tìm thấy điều gì mới mẻ ở thành phố này. Hà Nội trong Mùi trần của Đỗ Phấn cũng là Hà Nội của những ngày như thế. Mà lạ thay, ta vẫn có thể tìm thấy sự thú vị trong giọng văn đầy suy tư nhưng cũng có phần dửng dưng, hóm hỉnh nhưng cũng đầy sâu lắng của nhà văn yêu và hiểu Hà Nội này.

Mùi trần được nhà văn Đỗ Phấn cho ra mắt cuối năm 2019 với câu chuyện về hai nhân vật chính là Hiến và Lan cùng những thị dân Hà Nội thời kỳ mở cửa. Được đánh giá là tác phẩm văn học đương đại đặc sắc với lối viết dí dỏm, sắc sảo và tinh tế – cuốn tiểu thuyết về Hà Nội này vừa mang đến cho người đọc những góc nhìn thú vị, lại vừa ẩn chứa những góc lặng để người ta ngẫm chuyện đời. Ở Mùi trần, ta sẽ được thấy một nếp sống của người Hà Nội cũ với kiểu cách và sự cảm nhận ẩm thực tinh tế, cầu kỳ. Rồi trong bối cảnh kinh tế mở cửa, xã hội phát triển mạnh mẽ, họ bỗng trở nên chơ vơ trong bức tranh ồn ào, náo nhiệt và có phần hỗn độn đang diễn ra. Những người được coi là có cái “cốt lõi thị dân”, một lớp người chưa hẳn là già nua cũ kỹ, dù khôn ngoan bặt thiệp hay buông xuôi an phận, khép mình nhỏ nhẹ cũng sẽ trở thành một phần nhỏ trong bối cảnh dân tứ xứ kéo về mảnh đất này.

Mùi trần – Đỗ Phấn. Ảnh: P.N.H.A

Mùi trần, ta gặp những mối tính vừa lãng mạn lại vừa nhuốm “mùi trần” toan tính, vừa cuốn hút và hấp dẫn nhưng cũng đầy bải hoải, mệt nhoài. Cùng những mối tình đó, tiểu thuyết của Đỗ Phấn khai thác khá nhiều khía cạnh của xã hội khi nhìn từ những lề lối sinh hoạt, ẩm thực diễn ra ở mảnh đất Thăng Long này. Từ những ước mơ trần tục của con người, những nếp sống đô thị không ngừng thay đổi và những mất mát thị dân lâu đời cảm nhận mỗi ngày đều chứa đựng những suy tư. Mạch truyện của Mùi trần đi theo nhân vật Hiến, một người sống trong thời khắc chuyển giao giữa một Hà Nội cũ và một Hà Nội mới. Anh sống trong Hà Nội, lặng lẽ quan sát, lặng lẽ cảm nhận và lặng lẽ… lạc lõng. Một người đàn ông ngoài năm mươi tuổi không gia đình mà có vài ba mối quan hệ chóng vánh. Ta có thể cảm nhận một Hà Nội có phần đặc biệt qua mắt nhìn của anh với thế giới ẩm thực từ bát phở đến quán lòng lợn tiết canh, miếng nem thiếu thịt hay ngẫm nghĩ cả về một thời với những chai “quốc lủi”.

Cùng với một Hiến có phần cô đơn, lạc lõng thì phần lớn những con người trong Mùi trần lại có một đời sống rất vội, đầy phù phiếm. Những tinh tế, từ tốn và suy tư của Hiến lại song song tồn tại cùng những vội vã, phồn thực đó để rồi anh như một kẻ đi lạc vào thế giới của kẻ khác ngay trên chính mảnh đất của mình. Hà Nội qua mắt Hiến không biết có đẹp hay không là tùy ở cảm nhận ở mỗi người, nhưng rất đời và cũng rất thú vị. Ta sẽ thấy, dù không tránh được những phá vỡ để có thể phát triển thì cùng với đó, ta cũng yêu những nếp cũ xưa nay.

Mùi trần – Đỗ Phấn

Với Mùi trần, Đỗ Phấn cho độc giả thấy cái tinh tế ở mắt quan sát trong từng góc nhìn và thấy cả sự chỉn chu, sâu sắc ở cả cách miêu tả tâm lý nhân vật. Mỗi nhân vật, dù chính hay phụ đều nổi bật lên nét tính cách của mình. Mỗi thứ qua cái nhìn của Hiến, đều hiện lên chân thực không tô vẽ, không phủ những lớp phục trang đẹp đẽ người ta thương hay nhắc đến. Người đọc như nhìn thấy một khung hình sắc nét với những con người đó, ở khung cảnh đó và đang nói những câu chuyện đó. Chính vì thế mà dù Đỗ Phấn với cách kể chuyện rất thong thả nhưng người đọc vẫn thấy được sự sống động, không thiếu những bất ngờ và pha cả chút gì kịch tính.

Hà Nội trong Mùi trần của Đỗ Phấn mang lại cảm giác như một thực thể sống với trái tim đang đập và đầy cảm xúc. Hiến và Lan hay những người khác đều góp phần tạo nên một Hà Nội như thế. Và dù kết thúc của họ có như thế nào, Hà Nội vẫn ở đó với những nếp cũ – mới không ngừng đan khớp vào nhau.

“Hà Nội là thành phố của những người bình thường. Nhưng cũng kì lạ thay, nó có sức cuốn hút thật phi thường. Những người tài giỏi khắp đất nước tụ hội về đây. Những người không tài giải khắp đất nước tụ hội về đây. Để trở thành người bình thường.
Hà Nội vắng Phương Lan. Cũng chỉ một tháng sau vắng thêm Hiến. Hà Nội vẫn là Hà Nội…”

Nhà văn – họa sĩ Đỗ Phấn sinh năm 1956 tại Hà Nội. Năm 1980, ông tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Trong thời gian từ 1980 – 1989, Đỗ Phấn giảng dạy tại Khoa Kiến trúc Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ông đã xuất bản gần ba chục đầu sách, cả tiểu thuyết, truyện ngắn và tản văn. Tiểu thuyết “Dằng dặc triền sông mưa” của ông từng được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng ở hạng mục Văn xuôi (năm 2014).

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *