Review Sách

Nàng Mona Lisa cuối cùng – Jonathan Santlofer

Nàng Mona Lisa cuối cùng là cuốn tiểu thuyết trinh thám phiêu lưu của tác giả người Mỹ Jonathan Santlofer được ra mắt năm 2021. Tác phẩm lấy cảm hứng từ vụ trộm bức tranh Mona Lisa tại bảo tàng Louvre năm 1911 với câu chuyện có sự đan xen hiện tại và quá khứ với chủ đề hội họa. Độc giả sẽ như được đi lạc trong một thế giới của nghệ thuật đầy màu sắc cùng các danh họa nổi tiếng. Cùng với đó là những tình huống kịch tính vốn không thể thiếu ở các tác phẩm trinh thám.

Nội dung của Nàng Mona Lisa cuối cùng là câu chuyện xoay quanh Luke Perrone, một giảng viên đại học và nhà nghiên cứu nghệ thuật. Từ lâu anh đã được biết rằng, cụ của mình – Vincenzo Peruggia chính là người đã đánh cắp bức tranh từ bảo tàng Louvre, Paris vào năm 1911. Một ngày nọ, anh được liên hệ về cuốn nhật ký thất lạc của Vincenzo Peruggia và đó cũng là lúc anh bị cuốn vào một hành trình phiêu lưu đầy nguy hiểm. Điểm nhấn của câu chuyện chính là cuốn nhật ký của cụ Vincent có thể tiết lộ một sự thật gây sốc là: liệu bức tranh Mona Lisa hiện nay có thực sự là bản gốc hay chỉ là một bản sao? Cùng với sự hồi hộp, căng thẳng thì sự xuất hiện của bóng hồng Alexandra khiến cho câu chuyện thêm phần màu sắc.

Nàng Mona Lisa cuối cùng – Jonathan Santlofer. Ảnh: Hồng Khánh

Với một câu chuyện kết hợp giữa sự kiện có thật và hư cấu, Jonathan Santlofer đã mang đến một góc nhìn mới về vụ trộm Mona Lisa. Những giả thuyết được đưa ra và khiến độc giả cả thấy sự thú vị của thế giới nghệ thuật đầy phức tạp. Những âm mưu không phải ai cũng biết về cách những tác phẩm được công bố, trao đổi hay giả mạo. Thời nào thì những mối lợi từ các tác phẩm nghệ thuật trứ danh cũng luôn có thể làm mờ mắt những kẻ hám lợi. Và trong tác phẩm này, Jonathan Santlofer cho độc giả thấy sự chi tiết hơn của bức tranh đó. Nàng Mona Lisa cuối cùng mang lại cảm giác khá quen thuộc với những ai từng đọc Mật mã Da Vinci Code của Dan Brown. Tuy nhiên, sẽ là khá “gồng” khi so sánh Nàng Mona Lisa cuối cùng với tác phẩm gây tranh cãi một thời gian dài của Dan Brown.

Nàng Mona Lisa cuối cùng của Jonathan Santlofer sử dụng bối cảnh là thế giới nghệ thuật đây choáng ngợp cũng không thể làm cho câu chuyện có sức thuyết phục. Nhân vật chính Luke Perrone với hành trình khám phá câu chuyện cụ mình từ quá khứ nhưng không có được những diễn biến tâm lý sâu sắc phù hợp. Những đoạn kể xen giữa hiện tại và quá khứ đang ra có thể tạo chiều sâu cho tác phẩm nhưng sự rời rạc, thiếu tính liên kết lại tạo nên một bức tranh khá nhạt nhòa. Với một tác phẩm có yếu tố nghệ thuật thì những điểm nhấn cần có chiều sâu về thông tin, hoặc hơn nữa là diễn biến tâm lý – hành động của nhân vật. Ở Nàng Mona Lisa cuối cùng, bạn vẫn có thể gặp một số đoạn mô tả nghệ thuật và lịch sử nhưng không phải là những chi tiết mang đến cho bức tranh toàn cảnh sự sắc nét, rõ ràng hơn.

Nàng Mona Lisa cuối cùng – Jonathan Santlofer. Ảnh: Thu Trang

Với một cốt truyện khá dễ đoán, tuyến nhân vật phản diện không để lại nhiều ấn tượng thì Nàng Mona Lisa cuối cùng là một tiểu thuyết không thực sự cuốn hút. Ngoài ra, phần dịch thuật tác phẩm của Jonathan Santlofer cũng để lại khá nhiều lấn cấn khi sử dụng các từ xưng hô một cách khá chủ quan, có thể làm ảnh hưởng để mạch cảm xúc của người đọc. Cách dùng từ, dịch câu văn cũng không mang lại sự cuốn hút (hoặc do văn bản gốc không hay).

Nàng Mona Lisa cuối cùng là một tác phẩm phù hợp với những bạn đọc thích trinh thám nhẹ nhàng, đọc giải trí.

Jonathan Santlofer (1946) là một nhà văn, họa sĩ và người giám tuyển nghệ thuật người Mỹ. Ông được biết đến với các tiểu thuyết trinh thám và tội phạm, trong đó nổi bật với những tác phẩm có yếu tố nghệ thuật và hội họa. Nàng Mona Lisa cuối cùng lấy cảm hứng từ vụ trộm bức tranh tại bảo tàng Louvre năm 1911.

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM

 

Please follow and like us:
Pin Share

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *