Chuyện của Nắng!

Ngày mùa

Làng tôi vốn là một làng thuần nông, quanh năm dân làng không cấy lúa thì trồng bí, trồng rau. Mỗi năm, làng tôi có hai vụ chiêm, mùa. Khi ấy, làng nước ngập trong mùi thóc, lúa. Sinh ra là con nhà nông, thế nhưng lần đầu tiên tôi rưng rưng với những gì quen thuộc lại là khi ngoài ba mươi tuổi, tôi nghe hương rơm mới nồng nàn khi ngồi trên ô tô đi qua mảnh đất Quảng Bình. Sau rồi có lần nhỡ nhắc về tình yêu rơm mới, chị gái tôi bảo “Còn nhiều người hoài niệm về rơm với rạ, nếu viết sách bán thì cần viết ngay, ít năm nữa còn ít người có cảm giác với những gì liên quan đến rơm và rạ lắm.” Thế là, tôi kể chuyện ngày mùa làng tôi.

Bây giờ nghĩ lại, những kỷ niệm ngày mùa có phần đẹp đẽ và rực rỡ. Nhưng ngày ấy, chỉ thấy những nhọc nhằn.

Mùa gặt cũng là mùa ông trời mưa nắng thất thường. Nắng tháng năm, từng tán cây xanh mướt phản chiếu ánh nắng sáng rực mỗi trưa. Mặt đường bỏng rát những bước chân trần chai sạn. Thế nhưng ai cũng lao ra đồng phơi lưng lên trời mà cúi xuống cắt từng khóm lúa. Bố mẹ đi sớm, con cái cho ngủ thêm một lúc rồi đi. Những đứa nhỏ lớp hai, lớp ba ở nhà hãm ấm nước chè, đun nồi cám lợn. Ra đồng, đẹp ngày thì gặp vài cơn gió mát. Nếu phải những ngày gió lặng như tờ, mẹ kêu “không thở được”. Những ấm nước, ống điếu đầu bờ. Những gốc cây đầy bóng người ngồi quạt nón. Những tấm lưng phơi cháy nắng giữa đồng. Những cánh tay thoăn thoắt quơ từng khóm lúa. Những chiếc xe thồ chiều đi có ấm nước, đứa nhỏ ngồi trên, chiều về chặt đầy những lúa. Đấy là cánh đồng khi vào vụ gặt.

Ngày mùa. Ảnh: NTX

Đó là khi trời nắng. Nắng lắm rồi sẽ mưa nhiều. Lỡ có năm bão đổ, những nhọc nhằn sẽ không thể đến một cách nhẹ nhàng như thế. Lúa đổ rạp, thóc mộng giữa đồng. Đàn bà muốn khóc. Đàn ông quay ra hút điếu thuốc lào, quay vào thở dài ngao ngán. Cả nửa năm trông ngóng, chẳng biết mất trắng lúc nào. Mà có nhiều nhặn gì công lao trồng lúa. Hết bão, ngớt mưa. Lại lao ra đồng cắt những cây lúa đổ. Chỉ cần chưa mọc mộng, coi như đã may mắn hơn người. Tuốt xong rồi trải ra cho ráo vỏ. Thóc hết mặt hiên, thóc trải khắp nhà, thóc vào cả gầm giường để mong nồi gạo mới.

Tôi, không biết có may mắn hay không khi được sống ngày thơ bé lúc người ta lấy những hạt thóc vàng ra khỏi cây lúa bằng khối đá lỗ. Một trục đá tròn đục lỗ dọc thân, thêm vài thanh ngang dọc để thành công cụ kéo lúa. Bố khoác càng lên vai kéo dọc, kéo ngang vòng quanh sân lúa. Được vài lần mẹ lấy cặp gẩy lên khỏi mặt sân, kéo lại từ đầu. Cứ thế đổi qua đổi lại khi đã mệt. Thóc ra hết thì thôi. Gập mình kéo hòn đá vài tạ, thử hỏi ai mà không rút ruột rút gan. Rồi sau đó vài năm, nhà tôi có chiếc máy tuốt đạp chân. Tay cầm bó lúa đặt ở trên, chân guồng đạp phía dưới. Thóc bay tíu tít, bọn trẻ tha hồ thấy vui. Lại cách vài năm, làng tôi có máy tuốt động cơ chạy bằng dầu máy. Dù vẫn phải quặn ruột bốc từng ôm lúa cho vào, nhưng chỉ ba mươi phút là ra vài tạ thóc. Cứ nghe tiếng máy chạy trên đường là biết mùa vàng đã ôm lấy xóm thôn. Hai chục năm trước, cả làng có hai chiếc máy tuốt, có nhà mười hai giờ đêm còn thức chờ máy đến nhà mình. Vài năm gần đây, máy gặt đến ruộng, chỉ cần chở thóc về nhà. Những nhọc nhằn bớt dần theo năm tháng.

Ngày mùa. Ảnh: internet

Bây giờ, sau bao nhiêu năm xa cách tuổi thơ, cứ khi nào nghe trong không khí có hương rơm mới là lại thấy bồi hồi trong dạ. Ngày ấy, sau khi tuốt xong đống lúa, nhà nhà lại phải chở rơm ra đường để phơi lấy đồ đun bếp. Rơm được giũ sạch những hạt lúa còn vương lại, chất lên xe thồ. Cái thân cây lúa bị quần cho nát tướp, nhẹ hều được chất lên xe cao ngút tầm mắt. Người thồ chẳng còn nhìn thấy tay ngai, cọc đốc mà chỉ cần sờ thấy nó. Đẩy đi không lái được, lại phải có người bắt bánh xe khi cần rẽ ngang, rẽ dọc. Vậy nhưng, rơm cũng là thứ mang lại niềm vui sướng cho bọn trẻ nông thôn mùa gặt. Những đống rơm thơm mềm, chúng cứ quăng mình lăn lê rồi quần nhau trên đống rơm đánh tạm. Ngứa rặm, mướt mồ hôi nhưng là những ngày tuyệt diệu nhất. Sinh ra ở làng ngày ấy, bọn trẻ chúng tôi còn thuộc cái sự muôn vẻ của rơm. Rơm nếp, người lớn phải lấy đĩa cạo đi từng hạt thóc để sợi rơm còn nguyên, bện chổi. Rơm tẻ đun bếp. Rơm bỏ chuồng lợn. Rạ cũng đun bếp, bỏ chuồng, lại còn bó mạ cho vụ cấy ngay sau đó. Bất cứ ở đâu, rơm đều có mùi thơm ngọt ngào, mát dịu. Ngửi rơm mới tuốt thấy thật mát. Rơm phơi rồi có mùi thơm dễ chịu quyện cùng mùi nắng. Trong ký ức của tôi, rơm mới vẫn luôn là thứ ngọt ngào, mát lành và làm người ta xao xuyến. Bây giờ, máy gặt giúp người nông dân đỡ vất vả nhưng rơm để hết ngoài đồng, bọn trẻ không còn nhiều vui như thế.

Ngày mùa, thứ người ta chờ nhất là những hạt thóc vàng đổ đầy vào bể. Tuốt lúa xong, từng thúng thóc đội lên đầu, những người đàn ông trèo lên cái thang tre cũ kỹ nhiều năm để mang thóc lên mái nhà để phơi trên ấy. Nghĩ lại, thấy người làm nông cũng nhiều dũng cảm. Cứ leo lên, leo xuống chiếc thang đó mỗi ngày chục lần cho đến khi được mẻ thóc đổ bể, đổ cót. Cha vác thóc, mẹ rê vẹo cả xương sườn. Cha mẹ ngày ấy, giờ đều đau lưng mỏi gối.

Ngày mùa. Ảnh: Nguyễn Phong Doanh

Những người từng là đứa trẻ ngày ấy thường nói bọn trẻ bây giờ sướng quá, có khi lên đến cấp hai rồi còn không biết cầm chổi quét nhà. Chắc vậy cũng là nói quá. Nhưng so với những vất vả của bọn trẻ thời ấy, quả cũng có nhiều sự khác biệt thế hệ, dù cũng không biết sướng khổ thế nào. Ngày mùa, ngay cả những đứa trẻ con lít nhít cũng không biết rảnh rỗi là gì. Giũ rơm, chũi thóc, đun nước, nấu cơm, nấu cám. Một đứa trẻ học lớp ba có thể làm bằng đấy việc mỗi ngày khi mùa gặt đến. Hình ảnh một đứa nhóc gầy gò đứng trên xe rạ cao ngất ngưởng quen thuộc như không có gì bình thường hơn thế. Chở rạ vừa là nỗi ám ảnh, vừa là thú vui của lũ trẻ quê. Đứng trên cao xếp rạ nhiều vui, nhưng đẩy được xe rạ về nhà lại nhiều khốn khổ. Gặp phải lỗ xẻ, cứ liệu mà nhanh trí bắt bánh cho xe qua ngon lành. Lỡ mà xe rạ đổ, cứ gọi là ăn đòn như chơi.

Năm nào cũng vậy, cứ thoảng thấy có người thồ xe lúa về qua, thấy tiếng máy tuốt là biết những ngày quê có “vẻ quê” đã đến. Hít hà, xuýt xoa và xao xuyến. Mùa lúa mới, rơm thơm cũng là mùa già, trẻ, lớn, bé ai cũng mướt mồ hôi. Lao động chính “đội trời, đạp đất” ngoài đồng. Người già gẩy rơm, chũi thóc. Mấy đứa nhỏ từ lớp hai đến lớp mười hai thì đi học về rồi nấu cơm, đun nước. Mấy đứa lớn, gặp phải hôm học năm tiết, đạp xe về gặp đường rơm tốt lúa thì chỉ có nước quặn ruột lại mà đạp. Rồi gặp cơn mưa đen kịt, đang và dở miếng cơm cũng phải vất đấy mà chạy thóc. Người cào, người quét, người xúc, người đổ. Từ già đến trẻ không chừa một ai. Ngày xưa, mẹ đi gặt về có con muỗm, con cua giắt gấu quần. Muỗm nướng thơm lừng, béo ngậy. Có con cua đồng quăng nhẹ nồi canh. Thỉnh thoảng còn có những tổ chim. Có bọn trẻ trốn bố mẹ đi móc cua giữa trưa, chiều đem về cả chậu. Hay đi mót thóc, trò vui nhỏ ngày mùa.

Ngày mùa!

Bây giờ, nhiều nhà gieo vãi, gặt máy nên làng quê không còn những điều như thế. Nếu không kể lại, vài năm sau chắc không còn nhiều người nhớ chuyện xưa. Thế nhưng vào mùa, tình làng xóm vẫn khiến những đứa con ở làng càng thêm yêu tha thiết. Thóc sau khi gặt, phơi đầy con đường bê tông ra ruộng. Cả đêm để đó, sáng ra vẫn còn nguyên. Lỡ gặp phải cơn mưa, rợp một con đường toàn người quét thóc. Quét xong nhà mình, lại ào sang những nhà chưa xong để vội đưa nhát chổi. Quê tôi, ấm áp đến vô cùng!

Tháng năm qua đi. Nhọc nhằn qua đi. Những kỷ niệm cũng dần trôi về phía cũ. Để nhớ, để kể có khi mất cả phần đời còn lại. Nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng mới gợi lại để thương nhớ vậy thôi. Những kỷ niệm khác cũng đang dần bồi đắp để rồi cho những nhung nhớ về sau. Nhà quê mùa lúa, còn nhiều chuyện chẳng thể nói hết một lần. Rồi lại nghĩ đến sau này không còn mấy ai được nghe chuyện ngày xưa, có chút buồn vương vất. Thời gian có thể cuốn đi nhiều thứ. Đơn giản và rõ ràng, nó có thể cuốn đi cả một thế hệ có chung những điều hoài niệm.

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

Please follow and like us:
Pin Share

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *