Review Sách

Ngày tháng năm – Diêm Liên Khoa

Ngày tháng năm là câu chuyện ở một ngôi làng nọ với các nhân vật chính là một ông lão, một con chó, một cây ngô và các nhân vật phụ là lũ chuột cùng chín con sói vàng. Kể về cuộc sống của một ông lão không đi tránh hạn cùng dân làng mà ở lại với con chó và cây ngô, ta có thể trông đợi gì vào câu chuyện với những nhân vật và bối cảnh nghèo nàn đó? Ngày tháng năm của Diêm Liên Khoa như sự đồng cảm với ý chí sống của con người trước nghịch cảnh, lại như một lời cảnh báo rằng trái đất này đang dần trở nên hoang vắng.

Là tác giả không được biết đến quá nhiều với độc giả Việt Nam, thế nhưng Diêm Liên Khoa lại được giới nhà văn Trung Quốc đánh giá là một trong các nhà văn có thể đến gần với giải Nobel văn học nhất sau Mạc Ngôn. Độc giả Trung Quốc cũng coi ông là “Đại sư của chủ nghĩa hiện thực hoang đường” với những tác phẩm mang tính châm biếm cao và đầy gai góc. Lần đầu gặp Diêm Liên Khoa ở Ngày tháng năm, những câu chữ vô cùng đặc biệt của ông có thể để lại ấn tượng sâu sắc với bất cứ độc giả nào.

Ý chí sống còn của con người trong nghịch cảnh

Ngày tháng năm – Diêm Liên Khoa. Ảnh: Hồng Khánh

Câu chuyện Ngày tháng năm bắt đầu với bối cảnh ngôi làng bị trận hạn hán ngàn năm có một khiến con người và thiên nhiên kiệt quệ, dân làng không còn trụ được và phải di cư đến miền đất khác. Trong đoàn di cư ấy có một ông lão đã bảy hai tuổi bất ngờ quay lại với ngôi làng không còn bóng dáng một ai ngoài một con chó mù. Ông đã nói rằng, ông quay lại vì có khi ông sẽ chết trên đường do tuổi cao và sức yếu của mình. Thế nhưng ngoài điều đó, ông còn quay lại vì một cây ngô đang lên mầm. Một ngôi làng bị mặt trời thiêu rọi từng ngày dưới ánh nắng khắc nghiệt, một ngôi làng không còn một hạt gạo nào trong mọi ngôi nhà, một ngôi làng cạn kiệt từng giọt nước. Liệu ông lão và con chó có thể sống sót? Liệu cây ngô có thể lớn lên?

Với Ngày tháng năm, Diêm Liên Khoa cho người ta thấy cảm giác về sự chơi vơi của con người một cách rõ rệt hơn bao giờ hết. Ông lão không chỉ lo cho mình mà còn lo cho một con chó mù được ăn, cho một cây ngô non nớt được chăm sóc. Hai sinh vật đó đều là thứ phụ thuộc vào ông lão, nhưng cũng như chiếc mỏ neo để ông lão bám víu vào cuộc đời, vào sự sống. Ông đã vì một cái cây mà ngày ngày đi gánh nước vài dặm đường chứ không chuyển hẳn đến nguồn nước cùng con chó như một điều tự nhiên nhất trên đời. Ông đã vì con chó, vì cây ngô mà dành sự hy sinh lớn nhất. Ông sống vì mình, vì cây ngô hay vì con chó mù không rõ. Thế nhưng không có những thứ đó, có thể ông đã ngã quỵ giữa đường hay đầu hàng trước đàn sói dữ. Một ông lão phải tranh giành nguồn nước với đàn sói, phải “săn” từng hạt ngô với lũ chuột, phải ăn thịt chuột nhưng vẫn “không tin là một khi trăng lặn lại không nhìn thấy các vì sao.” Có những khi cùng cực, sự phẫn nộ khiến ông lôi chiếc roi đánh ngựa ra mà đánh ánh mặt trời, dồn bao nhiêu căm phẫn lên đó. Nhưng sau những phút giây ấy, ông lại tiếp tục công việc sống sót của mình. Ông tin vào sứ mệnh giành lại hạt ngô giống cho dân làng từ mặt trời cháy bỏng, và sứ mệnh được ông hoàn thành như chiến thắng của con người.

Lại nói tiếp, có điều già rồi thì không phải như vậy nữa, già rồi thì lại sống vì một cái cây, một ngọn cỏ, một đàn cháu trai, cháu gái mà thôi. Sống dù sao cũng tốt hơn là chết.

Hoang vắng đang phủ dần Trái Đất

Ngày tháng năm – Diêm Liên Khoa. Ảnh: Hồng Khánh

Diêm Liên Khoa đã bằng những câu chữ sắc nét và chứa đầy màu sắc của mình để vẽ nên một bức tranh về ý chí quật cường của con người trong Ngày tháng năm. Thế nhưng, đây không chỉ là bức tranh về sức sống mãnh liệt của những sinh vật trên trái đất này. Cũng trong bức tranh đó, ta nhìn thấy một trái đất tiêu điều và hoang vắng. Ở đó không có nước, không có màu xanh cây cối, nơi sự sống tiến dần đến kiệt quệ. Ở đó, kì lạ một điều là người ta lại di chuyển từ nông thôn đến thành phố để tìm con đường sống. Sự hiện diện của thiên nhiên được thể hiện rõ ràng như ta có thể cầm nắm, quan sát khi ông lão cân trọng lượng của ánh nắng mặt trời. Những âm thanh của thời gian nhỏ giọt, những ánh nắng vỡ vụn khi bị roi đánh, tiếng bước chân của màn đêm đến. Một ngôi làng vô danh, một ông lão vô danh, một con chó mù là những thứ có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Và tương lai, một ngôi làng khô hạn, hoang tàn như vậy sẽ không hiếm gặp nếu trái đất vẫn không ngừng bị tàn phá như ngày nay. Đến một ngày, dù con người có ý chí như thế nào đi nữa, thiên nhiên cũng sẽ đánh gục ý chí đó.

“Con người trừng trị thiên nhiên bằng cách hạ nhục, huỷ hoại nó. Còn thiên nhiên trả thù bằng cách nào em biết không? Nó biến mất.” – Khuyết danh.

Ngày tháng năm của Diêm Liên Khoa là một tác phẩm ngắn nhưng chứa đựng những ý nghĩa lớn lao về con người, về thiên nhiên và những cảnh báo về tương lai trái đất. Những thông điệp về hy vọng, sự sống, tình yêu và sự thay đổi khiến cho những trang sách chứa đầy cảm xúc. Câu chuyện như nhẹ nhàng, lại như đầy trăn trở về thế giới đầy những biến động khôn lường và con người sẽ phải làm gì để vượt qua điều đó. Một tác phẩm tuyệt vời cho những ai muốn tìm đến với văn học Trung Quốc.

Diêm Liên Khoa (sinh 1958) là một nhà văn Trung Quốc nổi tiếng với những sáng tác mang đậm tính hiện thực và tập trung nhiều vào mặt tối của đời sống. Đó là lý do nhiều tác phẩm của ông bị cấm trong nước nhưng lại được đánh giá cao tại các giải thưởng quốc tế. Một số các tác phẩm được yêu thích như: Ngày tháng năm, Tứ Thư, Đinh trang mộng, Kiên ngạnh như thủy, Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn…

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

One thought on “Ngày tháng năm – Diêm Liên Khoa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *