Nghệ Thuật Yêu – Truy vấn về bản chất tình yêu – Erich Fromm
“Ví dụ, tôi có thể biết một người đang tức giận, ngay cả khi người ấy không biểu lộ ra mặt; xong tôi có thể hiểu người ấy sâu hơn thế; sau đó tôi biết người ấy đang lo lắng, lo âu; đang cảm thấy cô đơn, đang mặc cảm tội lỗi. Rồi tôi hiểu ra cơn giận chỉ là biểu hiện của một điều gì sâu sắc hơn, và tôi nhìn người ấy như đang trong tình trạng lo âu và bối rối, tức là một con người đang phải chịu đựng đau khổ, chứ không phải một người đang giận dữ.”
Đây là một trích dẫn tôi thích trong Nghệ thuật Yêu – Truy vấn về bản chất tình yêu. Thú thực, đây không phải là loại sách tôi hay đọc và trước khi bắt đầu, tôi vừa có chút tò mò lại vừa có chút sợ rằng mình sẽ không thích cuốn sách. Thế rồi, chỉ sau vài trang đầu tiên tôi đã bị thuyết phục rằng đây là một cuốn sách nên đọc cho những ai còn đang băn khoăn về tình yêu.
Vậy trong cuốn sách được dịch ra 34 thứ tiếng với hàng triệu bản in này có điều gì thú vị?
Nghệ thuật Yêu – cuốn sách được xuất bản năm 1957 của nhà phân tâm học Erich Fromm sẽ giúp người đọc có những nhìn nhận sâu và sự liên quan về bản tính người liên quan đến tình yêu. Đây là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của Erich Fromm và ông đã trở thành học giả đầu tiên nghiên cứu về “tình yêu” và “năng lực yêu” như một đề tài nghiêm túc để nêu ra trước công luận với cuốn sách này. Bằng những lập luận thú vị, Erich Fromm đã khiến Nghệ thuật Yêu trở thành cuốn sách mang đến cho độc giả những phát hiện mới hay những chiêm nghiệm luôn được soi nhìn lại.
Tình yêu là một thứ gì đó luôn khiến người ta cảm thấy mơ hồ, không thể định nghĩa nhưng lại không thể thiếu trong cuộc sống. Trong Nghệ thuật Yêu, Erich Fromm cho ta thấy tình yêu là một thứ có thể nhìn thấy được nếu ta thực sự muốn nhìn. Bạn không chỉ thấy được về tình yêu đôi lứa mà còn hiểu sâu sắc hơn về lòng yêu thương giữa con người. Bạn sẽ nhận ra những lý lẽ của sự tôn trọng, lòng nhẫn nại và bao dung. Bản chất của sự bình đẳng không phải là giống nhau, bằng nhau mà là chấp nhận sự khác biệt của từng cá thể.
Thông qua tác phẩm, Erich Fromm đã đi vào phân tích cặn kẽ lý thuyết và lý giải tình yêu để người đọc có lời giải đáp cho sự tồn tại, cho nhu cầu yêu thương hay cả về sự cô độc của con người. Tình yêu trong cuốn sách được nói đến dựa trên đối tượng của tình yêu, như tình yêu đồng loại, tình mẫu tử, lòng tự yêu bản thân, tình yêu Thượng đế và tình yêu nhục cảm.
Nghệ thuật Yêu – Truy vấn về bản chất tình yêu của nhà phân tâm học Erich Fromm không hẳn là một cuốn sách dễ đọc. Như tác giả cuốn sách – Erich Fromm đã chia sẻ “Bất cứ ai trông đợi sự chỉ dẫn dễ dãi về nghệ thuật yêu sẽ thất vọng khi đọc cuốn sách này. Cuốn sách, ngược lại, muốn cho thấy tình yêu không phải một thứ tình cảm mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng đắm chìm vào, dù người đó đạt tới mức độ trưởng thành nào.”
Đây là cuốn sách đầu tiên tôi đọc của Erich Fromm và có lẽ sẽ đọc đủ bộ 3 tác phẩm của ông. Con người ta, dù có mơ mộng thế nào thì đôi khi vẫn phải nhìn nhận lại về một xã hội tỉnh táo, về bản chất của tự do hay truy vấn một chút về bản chất của tình yêu.
Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.