Review Sách

Ngôn Sứ – Kahlil Gibran

Có người nói với tôi rằng, Ngôn sứ (The Prophet) của Kahlil Gibran như một cuốn sách về tôn giáo nên để hiểu được nó không phải đơn giản. Tôi cũng biết có người đối với Ngôn sứ, đi từ ghét tới đến thần tượng tác phẩm. Lại có những ý kiến về những bản dịch hay và dở, dễ hiểu hay bay bổng của tác phẩm được dịch ra hơn 40 thứ tiếng, tái bản gần 200 lần với hơn 100 triệu bản in này. Với bản thân mình, cảm xúc đầu tiên tôi có khi đọc Ngôn sứ chính là cảm động. Khi đọc từng dòng chữ trong cuốn sách, tôi cũng như đang soi đến từng ngóc ngách của bản thân mình.

Ngôn sứ của Kahlil Gibran không phải là một câu chuyện diễn tiến theo thời gian mà là những lời nói của kẻ-tiên-tri trong một buổi chiều lắng đọng, khi người vội vàng nhất cũng sẵn lòng chờ đợi. Almustafa trong buổi chiều chia tay với với dân thành Orphalese, những người chung sống trong yêu thương ông suốt mười hai năm để đi cùng đại dương, trở về hòn đảo sinh thành đã để lại những lời ngôn sứ của mình. Ông đã trả lời mọi câu hỏi được những người dân trong thành ở những vai trò khác nhau đặt ra trong buổi đưa tiễn này. Almustafa nói về tình yêu và hôn nhân, về lao động và lạc thú, về tội ác và trừng phạt, về tôn giáo và lề luật v.v..

Ngôn sứ – Kahlil Gibran

Thế rồi khi đọc từng dòng chữ, sự bất ngờ dành cho người đọc chính là ở chỗ bạn không thấy có gì cao siêu cả. Ngôn sứ dễ đọc, dù không phải lúc nào bạn cũng có thể hiểu hết những gì tác giả muốn nói. Thế nhưng bằng cách nào đó, người ta vẫn có thể cảm nhận sâu sắc chỉ dẫn về cách yêu thương, trân trọng và bao dung chính bản thân mình. Và rồi, để ta biết rằng, bản thân mỗi người chỉ đơn giản là một phần nhỏ bé tạo nên cuộc đời đẹp đẽ này với niềm tin, lòng chân thành tốt đẹp nhất.

Trong Ngôn sứ, người đọc sẽ cảm nhận sự dịu dàng đến tận cùng và tình yêu tha thiết với con người, với thế gian. Sự cao quý và đáng trân trọng, sự bao dung và tình thương luôn tồn tại trong mỗi con người, trong cả đóa hoa và ngọn cỏ. Trong bản thân mỗi hành động của một ai đó, đều có căn nguyên mà đôi khi người ta quên mất điều ấy. Ngôn sứ của Kahlil Gibran tài tình ở việc mang đến sự soi tỏ cuộc đời từ những gì đơn giản nhất. Hãy trao trọn bản thân mình cho cuộc đời, cuộc đời sẽ nâng niu, bao bọc bạn!

Kahlil Gibran từng chia sẻ “Trong Ngôn sứ, tôi chốt lại các ý tưởng nhất định và tôi ao ước sống theo các lý tưởng đó… Đối với tôi, nếu chỉ viết suông chúng ra thôi thì đó là giả trá…”. Vậy nên, một người đọc như tôi đã nhấm nháp từng lời trong Ngôn sứ để ngẫm nghĩ, để thấm thía những câu thơ thật ngắn nhưng trọn vẹn. Bạn không cần đọc vội vàng mà cứ thong thả, những lời trong Ngôn sứ có thể đi theo bạn đến mãi về sau.

Theo Gibran, toàn bộ cuốn “Ngôn sứ” chỉ nói tới một điều duy nhất: Bạn lớn lao, cao cả hơn bạn biết – và mọi sự đều tốt lành. Dĩ nhiên mọi sự đều tốt lành, kể cả những yếu đuối và xui rủi của con người nếu mỗi người ứng xử trên nền tảng yêu thương trong mối quan hệ của con người với thiên nhiên và Thượng đế; và tình yêu ấy được Almustafa dùng làm yếu tố cốt lõi cho mọi lời giảng của ông. Trong “Ngôn sứ”, tình yêu là chân lý, thiện hảo và cái đẹp; tình yêu làm thăng hoa con người và tình yêu là chiếc bóng của Thượng đế trong mỗi người – dịch giả Nguyễn Ước cho biết.

Trước khi được giới thiệu là cuốn sách thứ 12 trong Tủ sách đời người của Omega Plus, tôi không biết đến Ngôn sứ mặc dù tác phẩm này đã được xuất bản ở Việt Nam với nhiều cái tên khác nhau. Có lẽ, đôi khi bạn cần đủ duyên để gặp một “người bạn” ý nghĩa của cuộc đời mình. Ngôn sứ của Kahlil Gibran nhẹ nhàng và mộc mạc như hơi thở của cuộc sống mỗi ngày quanh bạn.

Hãy chia sẻ cảm nhận của bạn cùng Sách Xanh Xanh nhé!

Lá Xanh

Vui lòng ghi rõ nguồn blog review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *