Review Sách

Nhật ký kẻ mị tình – Soren Kierkegaard

Review sách hay – Tôi coi mỗi cuốn sách mình có cơ hội chạm vào có một mối duyên đối với mình. Từ bất cứ cuốn sách nào, tinh thần của bạn có thể bị tác động, suy nghĩ của bạn có thể sẽ thay đổi, kiến thức của bạn có thể được bồi đắp. Với Nhật ký kẻ mị tình của Soren Kierkegaard, tôi tự nhận thấy chữ “duyên” của mình như gặp một “ngọn núi” vậy. Tôi xoay xở để quan sát, nắm bắt từ hình dáng, kích thước, màu sắc bên ngoài cho đến từng con đường nhỏ, từng gốc cây, ngọn cỏ trên ngọn núi đó. Nói thế để có thể hiểu rằng, đọc Nhật ký kẻ mị tình đối với tôi quả là một sự kỳ công.

Nhật ký kẻ mị tình của Soren Kierkegaard là câu chuyện về một cô gái đã “không cẩn thận” khi bước xuống xe để rồi gặp phải ánh nhìn của một, tôi cũng không biết nên gọi một chàng Don Juan hay một thiên tài, hoặc cả hai cộng lại. Từ đó, câu chuyện về kẻ chinh phục và người được chinh phục bắt đầu với muôn vàn trạng thái diễn biến tiếp sau. Câu chuyện được kể không phải với còn mắt quan sát của bất cứ người kể chuyện nào mà bởi chính anh chàng nguy hiểm đó, thông qua những trang nhật ký và những lá thư. Một hành trình chinh phục, hoặc “săn mồi” của Johannes được miêu tả tỉ mỉ qua những trang viết và những lá thư gửi Cordelia Wahl – một cô gái thông minh, đầy nữ tính và cũng không kém phần khoáng đạt.

Nhật ký kẻ mị tình – Soren Kierkegaard

Khi nhắc đến Nhật ký kẻ mị tình, nhiều người thường nhắc đến mối tình của Soren Kierkegaard và Regine Olsen. Thế nhưng, ta cứ tạm gác chuyện tình và cuộc hôn nhân bất thành của ông tổ thuyết hiện sinh mà dành toàn bộ tâm trí để du ngoạn trong những con chữ trong Nhật ký kẻ mị tình. Ở đó, người đọc có thể đắm mình trong những câu chữ về sự say mê, về cái đẹp, về con đường đi lắt léo của Tình. Nhân vật chính Johannes bắt đầu hành trình từ việc nhìn thấy cái đẹp, khao khát nó rồi tính toán để theo đuổi nó. Ồ, các anh chàng thời nay đừng nghĩ rằng mình là một kẻ tài ba trong chuyện tán tỉnh những cô gái. Đọc Nhật ký kẻ mị tình đi và bạn sẽ thấy Johannes của chúng ta “thao túng tâm lý” một cô gái như thế nào.

Johannes với trí thông minh thiên tài của mình hiểu rõ những diễn biến tâm lý đến tâm trí của những cô gái. Anh ta học những điều đó từ những cô gái mà anh ta quen biết và sử dụng chúng làm “vũ khí” cho những mục tiêu khác sau đó. Johannes, theo cách nào đó, dù là kẻ săn đuổi nhưng lại vẫn luôn có sự tôn trọng “con mồi” của mình. Các cô gái hay Cordelia càng thông minh và có nhiều phẩm chất, cuộc chinh phục của anh ta lại càng đáng được trông đợi. Từng bước chân, từng ánh mắt, nụ cười của các cô gái hay của nàng Cordelia được kẻ thông minh đại tài này phân tích và điều khiển bằng những gì tinh vi nhất trong tâm lý con người.

Đọc Nhật ký kẻ mị tình, người ta thường cảm thấy mình đi lạc trong biển ngôn ngữ tuyệt vời của nó. Bởi đi lạc nên bạn phải tìm đường, phải quay lại rồi quay đi. Thế nên những cái ngẫm nghĩ cứ thường trực và vô tình lại thấm rất sâu. Bạn có thể say mê với cuộc chinh phục, cuộc mị lừa người đẹp xuất sắc của Johannes nhưng rồi lại bất chợt giật mình với những gì thú vị song song cùng nó. Xuyên suốt tác phẩm, Soren Kierkegaard sẽ cho người đọc thấy cả một thế giới thần thoại, những điển tích kinh thánh, những suy ngẫm về triết học và cả những câu chuyện lịch sử, văn hóa. Những quy chiếu của ông cho người ta những khám phá mới đầy cuốn hút, thú vị và giàu tính thẩm mỹ. Đây là lý do mặc dù tôi đọc khá “nhọc nhằn” nhưng lại không muốn đọc vội hay buông cuốn sách xuống.

Nhật ký kẻ mị tình của Soren Kierkegaard do Phanbooks phát hành chỉ có 279 trang, không quá dày nếu bạn muốn thử sức với những câu văn của ông tổ chủ nghĩa hiện sinh. Tình yêu, tự bản thân nó cũng đã là một áng văn trác tuyệt. Lại qua câu chữ của một triết gia nữa thì, thôi rồi!

Lá Xanh

Vui lòng ghi rõ nguồn blog review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

One thought on “Nhật ký kẻ mị tình – Soren Kierkegaard

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *