Review SáchTrích dẫn hay

Những hiệu quế – Bruno Schulz

Review sách hayNhững hiệu quế – tác phẩm của Bruno Schulz là cuốn sách mang đến cho người đọc sự bối rối không nhỏ qua từng trang sách nhưng cũng khiến cho quãng hồi tưởng sau đó sự thích thú đặc biệt. Sự bối rối đến từ 17 truyện ngắn nhưng đôi khi lại làm người ta nghĩ rằng mình đang đọc một cuốn tiểu thuyết. Cùng với đó, nội dung đặc sắc cùng với lối hành văn tuyệt vời trong Những hiệu quế khiến độc giả không thể ngừng nhớ về những trang viết của Bruno Schulz.

Những hiệu quế là tập truyện ngắn của Bruno Schulz được xuất bản lần đầu vào năm 1933. Cuốn sách là tập hợp 17 truyện ngắn khác nhau nhưng lại có sự kết nối thú vị bởi tuyến nhân vật trong truyện. Đây là một chuỗi những câu chuyện được kể bởi một cậu bé – nhân vật tôi – về người cha, về những trải nghiệm tuổi với trí tưởng tượng của mình đưa độc giả đến với một thế giới siêu thực đầy mới mẻ. Những nhân vật lập dị, những diễn biến kỳ quặc tạo nên không khí đôi khi kỳ ảo nhưng lại có lúc trần trụi không một lớp vỏ bọc. Được đánh giá là một trong những tác phẩm văn học quan trọng nhất của nhà văn Ba Lan, những câu chuyện vô cùng thú vị. Tác giả đã miêu tả thế giới qua con mắt quan sát ngây thơ và những góc nhìn rất độc đáo của cậu bé. Một thế giới nội tâm phức tạp của con người, một thế giới thiên nhiên gần gũi nhưng có thể khiến người ta choáng ngợp qua từng câu chữ.

Những hiệu quế – Bruno Schulz. Ảnh: Thu Trang

Được biết đến với phong cách viết sử dụng ngôn ngữ giàu chất thơ và những mô tả phức tạp, Bruno Schulz đã khẳng định điều này trong Những hiệu quế. Ngay truyện ngắn đầu tiên, người đọc đã cảm thấy choáng ngợp với những miêu tả về Tháng Tám. Từng ngóc ngách của khu vườn, từng khoảng cỏ dại hay không khí ngột ngạt, con người bất thường đều hiện lên bởi cuồn cuộn những từ ngữ dồi dào, gợi cảm. Rồi ta lại cảm thấy sự tinh tế, thanh mát của một đêm tối đầy bí ẩn, bởi bầu trời sao tuyệt diệu trong Những hiệu quế. Ở Phố Cá Sấu, một thị trấn với những giá trị cũ dần phải thích nghi với những thứ mới trong thời điểm có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế cũng được miêu thả vô cùng sống động. Hay trong Nimrod, chú chó nhỏ ấm và mềm mại như hiện lên rõ ràng và xinh xắn ngay trước mắt người đọc.

Những hiệu quế không dành cho những người đọc vội. Từng truyện ngắn như những lát cắt vừa tạo nên một bầu không khí thơ mộng lại vừa ẩn chứa những triết lý, những chiêm nghiệm thú vị. Không chỉ là những câu chuyện thực tế, đôi khi những truyện ngắn khiến độc giả cảm thấy sự hoang đường đến tận cùng và những nhân vật mang tính biểu tượng hơn là sự tồn tại thực tế. Việc sử dụng cùng một bối cảnh và cùng các nhân vật xuyên suốt các truyện ngắn cũng là một điều thú vị Bruno Schulz mang đến cho độc giả của Những hiệu quế.

Một số đoạn trích các truyện ngắn trong Những hiệu quế của Bruno Schulz:

Luận về Ma nơ canh: Tiếp
Còn lại gì từ Nữ hoàng Draga trong dung mạo bằng sáp, bất kỳ điểm tương đồng nào, thậm chí là bóng dáng xa xôi nhất của sự tồn tại của bà? Nhưng sự giống nhau, sự giả vờ, và cái tên làm yên lòng chúng ta và ngăn chúng ta không đặt câu hỏi rằng dáng hình bất hạnh ấy là gì trong bản thân nó và bởi chính nó.

Nimrod
Chú chó ấm và mềm mại như Nhung, tim đập nhanh, nhỏ bé. Chú có hai tai mượt như cánh hoa, mắt xanh mờ đục, cái mõm màu hồng ta có thể đặt ngón tay vào mà không sợ bị trừng phạt, những bàn chân nhỏ và ngây thơ với những đệm thịt phớt hồng đáng yêu ngoài rìa, phủ ra ngoài các ngón chân trước. Rón rén, chú leo ngay vào tô sữa, tham lam và hấp tấp, liếm nó với cái lưỡi đỏ nhợt. Khi đã no nê chú buồn bã nhấc khỏi đó cái mõm nhỏ, còn treo lủng lẳng vài giọt sữa, và vụng về rút khỏi bồn tắm sữa.

Những hiệu quế – Bruno Schulz. Ảnh: Thu Trang

Những hiệu quế
Tôi bước ra màn đêm được tô điểm bởi sự sáng bừng của bầu trời. Đó là một đêm bình thản, vòm cao sao phủ thật rộng, phân nhánh thật nhiều, đến mức trông như bị đập vỡ và chia ra thành một mớ bòng bong những bầu trời khác nhau, đủ nhiều để có thể chụp những cái chuông bạc của mình xuống những cuộc phiêu lưu, những lễ rước và những cuộc dạo chơi cho suốt cả một tháng mùa đông.

Phố Cá Sấu
“Những cư dân lâu đời của thành phố tránh xa khu vực đó, nơi cặn bã, tầng lớp thấp kém nhất định cư – những kẻ không có tư cách, không địa vị, phẩm hạnh què quặt, những tạo vật kém cỏi của loài người được sinh ra trong những phường hội phù du như vậy. Nhưng vào những ngày thất bại, trong giờ phút đạo đức suy nhược, hẳn có chuyện người này hay người nọ trong đám cư dân thành phố không từ cơ hội nào liều dấn thân vào cái khu vực khả nghi đó. Những người khá nhất trong bọn họ cũng không hoàn toàn thoát khỏi cám dỗ tự nguyện tha hóa, phá bỏ những rào cản giai cấp, đắm mình trong bùn lầy của tình bằng hữu, của những chung chạ dễ dãi, những trộn lộn bẩn thỉu.”
“Phố Cá Sấu là một nhượng bộ của thành phố chúng tôi cho sự tha hóa mang tính đô thị và hiện đại. Rõ ràng, ta không thể nào mua được thứ gì tốt hơn một mô phỏng bằng giấy, một cảnh tượng được dựng bởi tranh minh họa cắt ra từ những tờ báo lên khuôn năm ngoái.”
“Họ nói với đám đông từ trên cao, dự báo một kỷ nguyên mới hạnh phúc cho toàn nhân loại – sự cứu rỗi nhờ xe đạp…”

Bruno Schulz (12/7/1892 – 19/11/1942) là một nhà văn, họa sĩ, nhà phê bình văn học và giáo viên nghệ thuật người Ba Lan gốc Do Thái. Ông được coi là một trong những tác giả Ba Lan vĩ đại của thế kỷ 20 và có nhiều tác phẩm đã bị mất trong Holocaust. Ông bị ám sát bởi một sĩ quan Đức Quốc xã vào năm 1942. Những hiệu quế là cuốn sách bao gồm 17 truyện ngắn được phát hành tại Việt Nam bởi NXB Khác.

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *