Những ngày thứ Ba với thầy Morrie và tình yêu cuộc sống!
Review sách hay – Có người nói, nên sống chậm lại để cảm nhận cuộc sống ý nghĩa hơn. Lại có người nói, hãy nhanh làm những việc mình muốn làm đi kẻo chẳng còn mấy thời gian đã hết đời người. Vậy rốt cuộc, bạn nên sống chậm hay là vội vàng lên?
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie của Mitch Albom là tập hợp những cuộc gặp của tác giả và người thầy đáng kính của mình sau 16 năm mất liên lạc, khi ông biết thầy mình không còn nhiều thời gian để sống. Mỗi cuộc gặp là một chủ đề được nhắc đến, một bài học được mang tới một cách nhẹ nhàng, bình dị. Những câu chuyện được kể với sự nỗ lực của thấy Morrie, với sự kiên nhẫn và xúc động của người học trò Mitch cho độc giả biết rằng, từng có một cuộc đời đẹp đẽ như thế từng tồn tại. Những câu chuyện ngày thứ ba đó cũng sẽ mang đến cảm hứng sống cho nhiều người sau này.
Đọc Những ngày thứ Ba với thầy Morrie của Mitch Albom, tôi như đang nhìn lại bản thân mình từ suy nghĩ đến hành động. Tôi thấy sự đồng cảm sâu sắc của mình với thầy Morrie trong mọi câu chuyện, dù tôi mới chỉ ngoài 30 tuổi. Tôi ngẫm nghĩ về cuốn sách nhiều ngày, không biết viết gì để mọi người có thể hiểu tôi cảm nhận về cuốn sách chân thực như thế nào. Đến cuối cùng, tôi chọn kể câu chuyện của mình.
Tôi là một người bị bại liệt từ khi hơn 1 tuổi. Sau khi bị sốt bại liệt, tôi có tập đi được nhưng yếu hơn các bạn. Như một mối duyên với việc không thể đi được, tôi ngã gẫy chân thêm 3 lần nữa. Cho đến hiện tại, tôi không còn khả năng đi lại. Sau mỗi lần gẫy chân, tôi yếu thêm một chút. Sau mỗi năm, tôi yếu thêm một chút, có khi đủ để nhận ra hoặc có khi không. So với thầy Morrie, rõ ràng tôi là một người may mắn. Đó là bởi tôi có nhiều thời gian hơn ông, tôi không bị chứng bệnh hiểm nghèo nào đe dọa tính mạng. Tôi chỉ không đi được.
Trong một gia đình có người thân bị bệnh hiểm nghèo hay một căn bệnh mãi mãi không thể chữa khỏi như tôi, thành thật mà nói, sẽ không thể có những niềm vui bình thường như những gia đình khác. Người bị bệnh cũng không thể có cảm nhận như những người bình thường khác. Với mỗi người, cảm giác cùng cực sẽ ở mức độ khác nhau. Họ phải chiến đấu chống lại căn bệnh, chống lại niềm thương cảm của người khác, hay hơn hết, là cảm giác chống lại sự thương cảm chính mình.
30 phút đầu ngày của thầy Morrie, thời gian thầy dành niềm thương cho bản thân mình, làm tôi cảm nhận sự mạnh mẽ tuyệt vời của con người ấy. Thầy cho mình 30 phút và dành thời gian cả ngày cho những người còn lại. Thật may mắn, tôi cũng đã sống theo cách đó hơn 10 năm nay. Thầy Morrie, dù đau đớn tận cùng đã cảm thấy hạnh phúc. Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc!
ạn nghĩ một người bị bại liệt có thể làm được việc gì? Họ sẽ không được học hành đầy đủ? Họ sẽ ở nhà để được chăm sóc và chờ trợ cấp xã hội? Họ sẽ sống qua ngày để chờ ngày tạm biệt cuộc sống? Những thứ đó đều không đúng đối với tôi. Một người bại liệt như tôi đã là chủ nhiệm một câu lạc bộ tình nguyện có thời điểm lên tới 150 người thường xuyên hoạt động. Tôi vận động xây nhà cho người nghèo, làm bể bơi cho học sinh, tạo học bổng cho trẻ em khó khăn hay trợ cấp thường xuyên cho người già neo đơn. Tôi xây dựng và quản lý không gian đọc miễn phí cho trẻ em nông thôn gần 10 năm qua với vài chục nghìn lượt đọc. Tôi làm việc để có thu nhập, để phụ giúp gia đình, để phục vụ những công tác xã hội tôi muốn. Tôi gặp gỡ bạn bè, trò truyện, tranh luận về mọi vấn đề tôi biết và quan tâm.
Để làm được những điều đó, tôi cũng phải trải qua những buồn tủi, những nhọc nhằn. Người ta chỉ có thể nghe bạn than thở một vài lần và thông cảm cho sự kém may mắn của bạn trong một thời gian. Họ còn những vất vả của cuộc đời mình. Vì vậy, nếu bạn muốn SỐNG thì bạn phải học cách sống, tự chính mình. Như thầy Morrie, tôi học sống và học chết.
Tôi thường xuyên nghĩ về cái chết. Tôi đã có những ký ức tồi tệ khi những người thân, bạn bè của mình ra đi đột ngột. Điều đó thật đáng sợ. Thế nên tôi học được sự bao dung, sự quý trọng những gì mình đang có. Để ví như, cho dù ngày mai, dù tôi hay ai đó vì lý do gì đó mà không còn nữa, cũng sẽ không có những hối hận hay nuối tiếc gì. Chỉ có yêu thương là ở lại!
Cảm ơn tác giả Mitch Albom, thầy Morrie và duyên gặp gỡ của tôi với Những ngày thứ Ba với thầy Morrie! Và cuốn sách có thể sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi ở đầu bài đăng này. Một cuốn sách cho sự đồng cảm, cho sự nỗ lực, cho sự chân thành và trên hết là cho tình yêu cuộc sống.
Lá Xanh
Vui lòng ghi rõ nguồn blog review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.