Tin sách khác

Những thanh xuân đất nước

Trong 365 ngày đọc sách, đâu đó vài ngày, bạn có thể gặp những cuốn sách nói về chiến tranh. Đâu đó, có những nhóm đọc sách có thể xuất hiện những chủ đề về văn học chiến tranh vì ngay hiện tại, đâu đó trên thế giới này vẫn đang có những cuộc chiến. Với một đất nước đã kinh qua không biết bao nhiêu gươm giáo, bom đạn để bảo vệ đất nước thì những tác phẩm về đề tài này dường như không thể đếm hết. Ngày 27 tháng 7, ngày những nghĩa trang liệt sĩ sáng ánh nến, đẫm hương trầm – ta lại nói về những nhân vật trong những tác phẩm văn học về chiến tranh.

Nỗi buồn chiến tranh không giống với bất cứ nỗi buồn nào khác. Bom đạn vẫn rơi, con người vẫn nằm xuống và dù lý do có là gì đi nữa, đó vẫn là những cái chết vô lý đến cùng cực. Không giới tính, tuổi tác hay màu da nào tránh được những đau khổ do những cuộc chiến đó mang lại. Họ là người già, người trẻ. Họ là thanh niên trai tráng, là những đứa trẻ từ Á đến Âu, Phi, Mỹ. Họ là cha, là mẹ, là con hay anh em, chồng vợ trong một gia đình. Họ là bạn bè, người yêu thương hay mới gặp trên đường. Tất cả, dù chỉ là nhân vật trong những tác phẩm văn học hay là người đã trải qua những ngày tháng khỏi lửa tự mình thuật lại đều cho thấy sự tàn khốc của chiến tranh.

Tôi nhớ đến Bruno trong Chú bé mang pyjama sọc của John Boyne. Tôi nhớ về Mừng và Quỳnh Sơn Ca, về Lượm và bao đứa trẻ khác trong Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán. Tôi nhớ về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, về liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong những cuốn nhật ký ở lại của họ. Những nhân vật trong Người đua diều, Ngàn mặt trời rực rỡ của Khaled Hosseini. Những người lính trở về trong các tác phẩm của Chu Lai, của Lê Lựu hay của Bảo Ninh. Những nạn nhân chất độc da cam trong những “chiếc cũi trần gian” của Minh Chuyên. Hay gần đây nhất là bà ngoại và mẹ của Chó Con trong Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vương. Càng nghĩ, tôi càng không biết nên viết về điều gì. Viết về sự tàn khốc của chiến tranh hay sự phi lí của nó? Viết về những mất mát nhìn thấy hay viết về những chiếc hố sâu hoắm không thể nào san lấp trong tâm trí những người từng trải qua cuộc chiến? Viết về những anh hùng hay những kẻ bại trận?

Ở tuổi 20, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã viết lại trong nhật ký của mình rằng “Ai đấy, khi nắm tay người bạn thân yêu của mình, khi cánh buồm xanh đi về, cánh cửa trời rộng mở, chớ quên dưới chân mình là cát sỏi, là hòn đất đượm mồ hôi, thấm máu của bao thế hệ mà cuộc sống của họ đã xa xôi…”. Dù được tạo nên bằng những từ ngữ thật đẹp, thế nhưng chiến tranh, dù có tô màu cho nó như thế nào đi nữa thì cũng mãi là một màu tro xám.

Ôi, những cuộc đời mãi mãi thanh xuân nước tôi!

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, Ocean Vuong cho người ta nhìn vào chiến tranh bằng ký ức vụn vặt của mẹ và bà ngoại. Những ký ức được kể lại một cách vừa thản nhiên, vừa có khi kích động để rồi người ta dần ghép lại được một phần bức tranh đầy hoảng loạn và dữ dội. Là cô bé bị xoá sổ bởi một trận không kích ba tuần trước khi chiến tranh kết thúc – một phế tích không ai có thể chỉ trỏ vào. Hay chỉ bằng lời thủ thỉ:

Tôi thương tiếng nước tôi quá đỗi!

Đọc những tác phẩm về chiến tranh, nước mắt độc giả có thể rơi bất cứ lúc nào. Truyện ngắn tuổi 20 của nhiều tác giả do NXB Phụ Nữ phát hành là một cuốn sách đầy những nghẹn ngào. Tôi phải liên tục dừng lại sau mỗi một, hai dòng để cảm xúc của mình được lắng lại và đọc hết cả quyển có vẻ là một việc quá sức. Những cô gái áo trắng làm nhiệm vụ dẫn xe qua phà và câu chuyện nhỏ như một cánh hoa rừng được ghi trong nhật ký thế này:

“Đọc mấy trang vừa rồi, thấy buồn cười. Toàn chuyện vẩn vơ không đâu. Lúc nãy tò mò, mình hỏi Út: – Này Út, em có sợ chết không? Út tư lự một lúc, rồi thay cho câu trả lời, nó hỏi lại: – Em hỏi chị, chị phải nói thật nhé, chị Liên. Đã bao giờ có người con trai nào hôn chị chưa?
– Chưa… Sao em hỏi thế?
– Em cũng chưa. Con gái chết mà chưa được hôn kể cũng thế nào ấy, chị nhỉ? – nó nói, giọng mơ màng và hơi buồn, rồi lại rúc vào chăn, ôm mình đến nghẹt thở. Con bé rõ đến lạ.”

Tôi thương những người con gái nước tôi quá đỗi!

Chiến tranh không phải trò đùa! Những người con trai, con gái đã nằm xuống những mảnh đất xa xôi nhưng như là máu thịt. Những người già, trẻ nhỏ nằm xuống ở mảnh đất quê nhà. Những thanh xuân đất nước ngày đó, sau này, rồi chỉ còn những xót xa!

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *