Review Sách

Peter Pan – J.M.Barrie

Peter Pan là tác phẩm văn học kinh điển của tác giả người Scotland J.M. Barrie, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1911. Đây là câu chuyện về một cậu bé sống ở vùng đất kì diệu Neverland, nơi mà các đứa trẻ không bao giờ lớn lên. Trong một lần tình cờ ghé thăm nhà Wendy khi cha mẹ cô bé đi vắng, Peter Pan rủ cô bé và em trai mình tới Neverland. Đó là khi những câu chuyện thực sự bắt đầu.

Trước hết, hãy cứ đồng ý với nhau rằng đây là một tác phẩm hay của J.M. Barrie. Nội dung cuốn hút, thú vị với những nhân vật rất kỳ lạ. Peter Pan là câu chuyện có nhiều tình tiết hấp dẫn và đầy màu sắc khiến các bạn nhỏ yêu thích phiêu lưu thích thú. Còn sau đó, với cảm nhận của tôi thì có khi Peter Pan không thực sự là lựa chọn lý tưởng dành cho các cậu chàng thiếu nhi. Đó là bởi những ảnh hưởng cuốn sách có thể mang lại sau khi đọc.

Peter Pan – J.M.Barrie

Trong tác phẩm của J.M. Barrie, chúng ta có một cậu chàng Peter Pan tinh nghịch, tự do và đôi khi quá hồn nhiên. Chúng ta cũng có không ít khoảnh khắc cảm nhận được sự cô đơn của cậu bé không bao giờ lớn này. Thế nhưng, nếu mang cả tất cả những câu chuyện về Peter Pan cho thiếu nhi thì e rằng, sự méo mó trong tâm thức của Peter sẽ tạo nên không ít đứa trẻ có tâm lý méo mó theo nhân vật chính của chúng ta. Những cuộc “gặp gỡ” với thuyền trưởng Hook, có có một cánh tay bằng móc sắt, luôn có diễn biến vừa kì cục lại vừa đẫm máu. Trong khi đó, chuyện xảy ra với những đứa bé “lỡ” lớn lên cũng là bí ẩn “nguy hiểm” không ai biết câu trả lời. Trong khi đọc, tôi cứ nghĩ mẩn rằng, không biết có độc giả nào lỡ trở thành tội phạm với nguồn cảm hứng từ Peter Pan hay không!?

Bỏ qua những pha chém giết trong Peter Pan thì đây là câu chuyện đầy rẫy sự cô đơn. Chúng cô đơn tới mức, sự xuất hiện của Wendy được chúng chào đón như một lẽ tất nhiên phải thế. Một người mẹ bằng tuổi chúng mang đến sự trải nghiệm chúng chưa bao giờ có, và sự giả vờ tin như đó là sự thật. Thế nên cho dù liên tục choáng với những tình huống gây “cảm giác mạnh” thì đến cuối cùng, thứ còn lại trong tôi là nỗi buồn, là sự thương xót cho những đứa trẻ ấy. Đến cuối cùng, vòng lặp của Peter với những đứa trẻ khác lại bắt đầu. Và tôi thì vẫn nghĩ về sự cô đơn của cậu bé không bao giờ chịu lớn này.

Nói một cách công bằng thì ngoài những ấn tượng sâu sắc đặc biệt ở trên thì thực ra, trong quá trình đọc truyện tôi đều bị hút về phía sự sinh động, giàu màu sắc và sự ngây ngô (tôi đoán là giả vờ) của bọn trẻ. Tôi thích thú mọi thứ ở Neverland. Không gian “ngôi nhà” của chúng, chiếc giường của chúng hay những ống khói nấm, những cái cây cho mỗi đứa đi vào. J.M. Barrie đã mang đến cho độc giả một thế giới sống động và rực rỡ.

Peter Pan là một trong những tác phẩm văn học trẻ em nổi tiếng nhất mọi thời đại và đã được chuyển thể thành nhiều phim, vở kịch và các tác phẩm khác. Người ta cũng có một hội chứng y khoa được gọi là “Hội chứng Peter Pan” để chỉ những người cư xử như trẻ con trong mọi việc. Bạn hãy đọc và có những cảm nhận của riêng mình nhé!

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *