Review Sách

Rừng Na Uy – Haruki Murakami

Review sách văn họcRừng Na Uy của Haruki Murakami được xuất bản lần đầu tại Nhật Bản năm 1987. Tại Việt Nam, tác phẩm lần đều được biết đến vào năm 1997 do NXB Văn học phát hành với bản dịch của Kiều Liên và Hải Thanh. Đây là câu chuyện hồi tưởng của nhân vật Watanabe Toru về khoảng thời gian cách hiện tại của anh 18 năm. Bối cảnh câu chuyện và cũng là nội dung chính của cuốn sách là nước Nhật những năm 1960, khi mà thanh niên Nhật Bản đang bắt nhịp với lối sống phương Tây và cùng với đó là sự đấu tranh chống lại những định kiến tồn tại trong xã hội. Bên cạnh những yếu tố xã hội thì phần chính của câu chuyện lại xoay quanh Watanabe Toru và những mối quan hệ của anh.

Rừng Na Uy – Haruki Murakami

Nói một chút về tác giả của Rừng Na Uy. Haruki Murakami được coi là hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại và qua nhiều thập kỷ, độ HOT của ông vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Những người thường đọc sách văn học ít nhiều đểu biết về tác giả nổi tiếng này. Trong tác phẩm của Haruki Murakami có các nhân vật khác nhau nhưng những thứ quen thuộc với độc giả sẽ là âm nhạc, cụ thể là Jazz, lũ mèo và những cái giếng. Được coi là nhân vật quan trọng của văn học đương đại Nhật Bản nên trong tác phẩm có rất nhiều điều người ta muốn nghiên cứu và tranh luận. Thế nhưng, dù đọc khá nhiều sách của Haruki Murakami nhưng tôi lại có phần đơn giản khi đọc. Đọc Rừng Na Uy, tôi luôn ở trạng thái chờ đợi để tìm thấy điều gì đó rất tự nhiên, rất cảm tính.

Quay lại với Rừng Na Uy. Đây là cuốn sách tôi chần chừ rất lâu mới đọc, dù muốn đọc từ sớm để xem nội dung có gì mà nổi tiếng như vậy. Một trong những lý do khá buồn cười dẫn đến việc chậm trễ này, đó là vì cái giếng. Trước khi đọc Rừng Na Uy thì tôi đã đọc Biên niên ký chim vặn dây cót. Bởi quá ám ảnh với cái giếng trong tác phẩm này nên khi mở Rừng Na Uy và ngẫu nhiên gặp ngay “cái giếng” thì tôi đã lập tức gấp sách và phải gần 2 năm sau mới đọc. Với việc đọc sách, việc đúng thời điểm cũng coi là một cái duyên. Và có lẽ là đúng thời điểm nên tôi đã cảm thấy thực sự thích thú với tác phẩm này của Haruki Murakami. Vì có ấn tượng khá sâu sắc với các tác phẩm văn học Nhật Bản nên khi bắt đầu với Rừng Na Uy, tôi đã sẵn sàng cho một câu chuyện đầy rẫy những sự u uẩn, bí bích và những nhân vật mang đến cảm giác “trống hoác” trong tâm hồn, bị tước mất những niềm vui hay sức sống tuổi trẻ – theo rất nhiều cách. Thực tế, ở Rừng Na Uy vẫn là những thứ đó: tổn thương, trống rỗng, mất phương hướng và luôn tìm kiếm. Thế nhưng ở đây, tôi cũng cảm nhận sâu sắc về hành trình để đến với sự thấu hiểu. Mỗi nhân vật, theo con đường mình chọn, đều nỗ lực để tìm kiếm sự thấu hiểu – một cách rất tích cực.

Rừng Na Uy – Haruki Murakami

Rừng Na Uy là hành trình Watanabe đi tìm bản ngã của mình và hành trình này có vẻ vô cùng khó khăn khi giới trẻ thời điểm đó cũng không khác anh là mấy. Họ bị cuốn vào vòng xoáy của những thay đổi mới mẻ của lối sống phương Tây khi những gì là truyền thống vẫn đang hiển hiện. Sự mất phương hướng, không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống khiến họ cảm thấy mong manh, dễ bị tổn thương và đi đến kết thúc cuộc sống. Dù có tính cách khác nhau nhưng trong mỗi nhân vật đều có sự cô đơn và cần đến sự thấu hiểu, từ người khác hoặc ngay ở bản thân họ.

Trong Rừng Na Uy có số lượng nhân vật không nhiều, không ít và nhân vật nào cũng có dấu ấn đặc biệt của mình. Trong đó có 3 nhân vật chính là Watanabe Toru, Naoko và Midori với những câu chuyện có “thời lượng” nhiều hơn. Người kể chuyện Watanabe Toru được coi như đại diện tiêu biểu cho thanh niên Nhật Bản những năm 1960 với thế giới nội tâm trống trải, đơn độc, luôn cảm thấy sự mất mát và nhiều mâu thuẫn. Bên cạnh Watanabe Toru là 2 nhân vật quan trọng có tính cách trái ngược nhau nhưng đều có ý nghĩa quan trọng với anh là Naoko u buồn với nhiều tổn thương và Midori thẳng thắn, hoạt bát, tràn đầy sức sống nhưng không có nghĩa cuộc sống của cô luôn dễ dàng. Những mối quan hệ đan xen khiến cho người ta suy nghĩ, chiêm nghiệm về tuổi trẻ, về cuộc sống.

Rừng Na Uy – Haruki Murakami

Tôi nghĩ, với Toru thì Naoko giống một mắt xích từ quá khứ. Có thể, nó như là sự tôn thờ, nâng niu những gì của cái gọi là “ngôi đền của tuổi trẻ”. Vì nhiều lý do, nó vướng mắc đến cái ngưỡng cậu chuẩn bị bước sang một phần mới của cuộc đời. Trong khi đó Midori, nó giống như một làn suối mát mùa hè để giúp tâm hồn nhạy cảm của cậu không bị chìm vào khu rừng đầy mây mù cùng Naoko. Midori là nhân vật tôi vô cùng thích trong Rừng Na Uy của Haruki Murakami. Cảm giác về sự xuất hiện của cô như mang lại một luồng ánh sáng rực rỡ, vừa trong veo lại vừa quyến rũ để xua tan sự bí bách trong căn phòng mờ tối đầy mùi gỗ mục.

Một điều tôi thấy nhiều người thường nói và có vẻ như là rào cản khiến nhiều người băn khoăn khi quyết định có đọc Rừng Na Uy hay không chính là tình dục. Riêng với bản thân mình thì tôi đã thực sự thấy thoải mái khi đọc những đoạn nói về tình dục trong Rừng Na Uy. Nó cơ bản là một phần của đời sống con người và nó cũng có vai trò như bất cứ suy nghĩ, tình cảm nào (dĩ nhiên là đặc biệt với câu chuyện này). Ở đoạn đầu cuốn sách, tôi đã nghĩ hình như tình dục là lựa chọn đầu tiên – hoặc cuối cùng giúp cho thanh niên Nhật giải thoát khỏi những bức bối của bản thân, của một xã hội đầy rẫy những cái bẫy khiến họ có thể sụt chân bất cứ lúc nào. Thế nhưng, cuối cùng tôi lại nghĩ, đó chỉ là một trong những việc họ cần làm trên hành trình để có thể thấu hiểu bản thân, thấu hiểu cuộc đời hơn.

Sau khi đọc xong Rừng Na Uy, tôi cứ nghĩ mãi về từng hành động, từng suy nghĩ, từng câu chuyện và vai trò của từng nhân vật câu chuyện. Dù vẫn có nhiều tranh cãi xoay quanh tác phẩm nhưng đây vẫn là cái tên cuốn hút người đọc suốt nhiều năm qua. Đây cũng là một trong những tác phẩm tôi rất thích của Haruki Murakami.

Lá Xanh

Vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung review sách trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *