Review Sách

Sống vội – Brigitte Giraud

Sống vội được bắt đầu vào hai mươi năm sau ngày người chồng Claude qua đời vì một tai nạn cùng chiếc xe Honda CBR Fireblade 900, ngày Brigitte Giraud ký vào hợp đồng bán căn nhà – nơi như bắt đầu cho chuỗi sự kiện để dẫn đến tai nạn đó. Chính thời điểm này, cô mới đủ can đảm để nhìn lại và mổ xẻ những thứ dù là nhỏ nhất ở các sự kiện liên quan đến vụ tai nạn, hoặc không. Sống vội như một bức thư dài, lại như một cuốn tự truyện có phần riêng tư cho ta thấy những gì gặm nhấm thật sâu trong Brigitte Giraud suốt hai thập kỷ.

Khi ai đó bị một nỗi đau quá lớn về sự mất mát, họ sẽ có rất nhiều trạng thái để lâm vào. Brigitte Giraud đã trải qua thời kỳ chiến đấu với từng ngọn cỏ, bức tường, cánh cửa ở ngôi nhà mới – nơi họ chưa thực sự chuyển đến trước tai nạn – để xoa dịu nỗi đau. Rồi cô trở lại với cuộc sống bình thường, với nhiều những thay đổi đi kèm mâu thuẫn, với những ham muốn và nỗi đau, nhung nhớ hoà trộn. Với hai mươi năm và “trí nhớ bị thủng lỗ chỗ”. Rồi hai mươi năm qua, sau rất nhiều thay đổi, việc nhìn lại cũng được thực hiện.

Đã có những lần đầu tiên, cảm giác về mối hiểm nguy đang đi xa dần, rồi tự do bất ngờ, đáng sợ, khiến em chuốc lấy mọi rủi ro. Đã có cảm giác chóng mặt của một mối tình mới bất chấp nỗi nhung nhớ. Ham muốn và đau đớn hòa trộn, tất cả những mâu thuẫn ấy, cuộc sống như một cái lồng máy giặt.

 

Sống vội – Brigitte Giraud

Hai mươi năm sau ngày người chồng ra đi trong tai nạn motor trên đường đón con trai ở trường học, bằng hai mươi ba mệnh đề “giá như”, Brigitte Giraud đã cóc can đảm để nhìn lại quá khứ. Những sự kiện với các dữ liệu dù nhỏ nhất được nhắc đến như một cuộc khám nghiệm vừa như một chiếc dằn mạnh cho cơn đau trở nên rõ ràng, sau đó là sự tỉnh táo và buông bỏ. Liệu Brigitte Giraud có tìm được câu trả lời cho mình? Liệu cô có thể đi qua nỗi mất mát bất ngờ ập đến hai mươi năm trước? Liệu đó là tình cờ, số phận hay những trùng hợp ngẫu nhiên đã xoay chuyển cuộc đời cô như vậy?

Giá như cô không đến Paris vào ngày thứ ba 22 tháng 6. Giá như em trai cô không gặp trục trặc với chỗ đỗ xe. Giá như nhà Mercier không nhượng bộ mong muốn mua nhà của Brigitte Giraud. Giá như vợ chồng cô không nhận được chìa khóa trước. Giá như mẹ cô không gọi điện thoại cho em trai Brigitte Giraud. Giá như cô không từ chối khi em trai đề nghị đưa con trai cô đi nghỉ cùng. Giá như Brigitte Giraud gọi điện thoại từ Paris để bảo Claude đi đừng đón con trai. Giá như anh không quên 300 Franc tại máy rút tiền tự động. Từ những thứ đơn giản cho đến việc giá như các hiệp ước tự do thương mại giữa Nhật Bản và liên minh châu Âu không được ký kết. Giá như trời không đẹp đến thế. Giá như đèn giao thông không chuyển màu…

Đọc Sống vội của Brigitte Giraud, ta thấy hơi hướng của một cuốn tiểu thuyết đầy tính tự truyện. Từng trang viết là những gì mang tính cụ thể và có phần riêng tư. Từng sự kiện đi cùng chữ “giá như” như một lát cắt đầy thông tin, lại như một vết xước người viết tự tạo để cảm giác đau đớn hiện hữu một cách rõ ràng nhất trước khi mất đi. Lần lượt hai mươi ba vết xước, hoặc hơn. Ta thấy một không khí dồn nén, như bị cô đặc nhưng cũng ngập tràn tình yêu cô dành cho người chồng, như một nỗi ám ảnh. Sự sống động trong những hình dung của cô về hình ảnh Claude hai mươi năm trước cho thấy rõ điều đó.

Sống vội – Brigitte Giraud

Như đã nói, những sự kiện được tác giả nhắc đến, dù chỉ là chiếc đèn tín hiệu giao thông hay thời tiết hôm đó cũng đều như một lát cắt đầy những thông tin. Đây chính là một điều mang đến sức hút thú vị cho Sống vội bên cạnh tình cảm sâu sắc Brigitte Giraud dành cho Claude. Đó là bức tranh âm nhạc cuốn hút, vai trò của những chiếc điện thoại, sự phát triển của công nghệ sản xuất từ Nhật Bản – đặc biệt là đối với những chiếc mortor phân khối lớn, hiệp định thương mại từ Á đến Âu hay cả cuộc đời gắn liền với các loại thuốc giảm đau của Stephen King…

Brigitte Giraud bằng ngòi bút tinh tế của mình đã cho độc giả cảm nhận được nội tâm đến những suy ngẫm về số phận trong Sống vội. Có thể đây không phải là một tác phẩm lớn đồ sộ, nhưng lại mang đến cho độc giả những chiêm nghiệm, những sự đồng cảm sâu sắc về mất mát, sự xoa dịu và cách vượt qua những nỗi đau.

Brigitte Giraud (sinh năm 1960, Sidi-Bel-Abbès ở Algeria) là nhà văn, tác giả tiểu thuyết và truyện ngắn người Pháp. Bà đã được trao giải Prix Goncourt năm 2022 cho cuốn tiểu thuyết tự truyện Sống vội – Vivre vite. Brigitte Giraud là tác giả của nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn nổi tiếng như La Chambre des parents (1997), Nico (1999), Marée noire (2004), J’apprends (2005), Une année étrangère (2009), Jour de courage (2019), Porté disparu, l’école des loisirs (2022)…

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *