Thơ ngụ ngôn La Fontaine
Thơ ngụ ngôn La Fontaine là cuốn sách thứ 3 được xuất bản trong dự án Tủ sách đời người của Omega Plus. Tác phẩm gồm trên 60 truyện thơ với văn phong dí dỏm và hàm súc đa nghĩa được dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh truyền tải rất ấn tượng. Cùng với đó, phần tranh minh họa của họa sĩ Mạnh Quỳnh khiến cho độc giả Việt cảm thấy gần gũi, dễ hiểu và đặc biệt thú vị.
Những bài thơ ngụ ngôn đặc biệt của tác giả Jean de La Fontaine được biết đến rất rộng rãi vào thế kỷ XVII. Theo một trong những tiểu thuyết gia lớn phương Tây – Gustave Flaubert, La Fontaine là nhà thơ Pháp duy nhất hiểu và làm chủ những kết cấu tinh vi trong của ngôn ngữ Pháp trước Victor Hugo. Ba tuyển tập gồm 12 tập thơ ngụ ngôn được La Fontaine cho ra đời vào những năm 1668, 1678 và 1694. Có thể nói, La Fontaine là một trong những tác giả đặc biệt bậc nhất của văn học thế kỷ XVII khi tác phẩm của ông nói về những đề tài cổ điển nhưng lại sử dụng lối viết đặc sắc, không trùng lặp. Trong các tác phẩm của mình, ông nói về các loài vật sinh động như sống trong thế giới của chúng. Thế nhưng cũng bằng hình ảnh miêu tả độc đáo những loài vật này, ông cũng khiến cho người ta thấy rõ mồn một những gì xảy ra trong xã hội thời bấy giờ. Xã hội loài vật trong thơ ngụ ngôn La Fontaine tượng trưng cho xã hội con người tại Pháp với các cung bậc cảm xúc, tầng lớp con người và cả những mâu thuẫn bộc lộ bản chất của xã hội thời đại ông đang sống.
Cùng với nội dung đặc sắc vốn có ở thơ ngụ ngôn của La Fontaine thì cuốn sách thứ 3 trong Tủ sách đời người của Omega Plus còn khiến độc giả thích thú với phần dịch của nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh và hình ảnh minh họa của họa sĩ Mạnh Quỳnh. Tác phẩm sử dụng toàn bộ tranh minh hoạ do họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh vẽ và khắc gỗ mộc theo bản Thơ ngụ ngôn La Fontaine của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, bản in bằng giấy dó do nhà xuất bản Alexandre de Rhodes ấn hành năm 1943.
Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Cố nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh từng chia sẻ: “Tập dịch văn này tôi làm ra kể đã lâu năm lắm rồi, khi còn ít tuổi, chưa làm văn vần bao giờ, mà đọc qua thơ La Fontaine cũng phải cảm hứng, chấp chảnh nên vần, tuy lắm câu văn còn lấc cấc lắm, nhưng các bạn độc giả, cũng nhiều ông xét quá rộng cho là dụng công dịch lấy đúng. Đúng đây là đúng cái tinh thần, chứ không có nề gì những chữ hổ đổi làm sư tử, cái gậy đổi ra con chó, khiến cho những người thắc mắc được một cuộc vui, ngồi soi bói từng câu từng chữ, mà kể được ra có ba, bốn chỗ dịch lầm. Những chỗ sai lầm đó, trong bản in này cũng xin cứ để nguyên không dám chữa. Lại in thêm cả nguyên văn tiếng Pháp ra cho ai nấy có thể khảo xét.” Vậy nên, độc giả sẽ thấy trong cuốn sách Thơ ngụ ngôn La Fontaine của Omega Plus có cả phần in tiếng Pháp và tiếng Việt. Không bàn về sự đúng sai trong từng chữ, nghĩa nhưng những câu thơ trong Con ve và con kiến sau hơn một thế kỉ vẫn quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam.
Một phần rất đặc biệt trong cuốn Thơ ngụ ngôn La Fontainer chính là ở những tranh minh họa cho từng bài thơ của cố họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh. Đó là bởi dù là những bài thơ có nguồn gốc “Tây” nhưng phần minh họa lại rất “Ta”. Những loài vật trong thơ của La Fontaine hiện ra dưới nét vẽ của họa sĩ có thêm nét ngộ nghĩnh, dễ hiểu. Điều này giúp cho độc giả Việt cảm thấy sự gần gũi, thân thuộc và cảm nhận, hiểu rõ những bài thơ một cách dễ dàng.
Jean de La Fontaine (8/7/1621 – 1695) là một nhà thơ ngụ ngôn và nhà thơ cổ điển nổi tiếng của Pháp thế kỷ XVII. Thơ ngụ ngôn La Fontaine là một “danh từ” khá quen thuộc với bạn đọc nhiều lứa tuổi và cho đến nay, thơ ông vẫn giữ nguyên giá trị thời sự sâu sắc. Các tác phẩm ngụ ngôn của ông đã trở thành điển hình cho các tính cách và các tình huống của cuộc sống. Trong tác phẩm của ông có câu chuyện cuộc sống, bài học nhân văn và cả những vấn đề xã hội và tính dân gian, chất thơ mộc mạc nhưng tinh tế và sinh động vẫn luôn được đánh giá cao.
Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.