Review Sách

Thợ xăm ở Auschwitz – Heather Morris

Review Sách – Những cuốn sách về chiến tranh chưa bao giờ thôi mang đến những đau thương, mất mát dù cho từ đó xuất hiện những anh hùng và không thể thiếu những gương mặt gây nên sự chết chóc. Ở nhiều đất nước, những người mẹ ước gì mình chỉ sinh con gái để chúng không bị mang đi vào các cuộc chiến. Thế nhưng, trong Thợ xăm ở Auschwitz – cuốn tiểu thuyết của Heather Morris dựa trên lời kể trực tiếp của một người đã sống sót khỏi trải tập trung Auschwitz của Đức quốc xã – thì trai hay gái đều không có những ngoại lệ bên ngoài sự tàn bạo và chết chóc.

Khi Auschwitz mới được dựng lên, người ta đã nghĩ rằng chỉ có những người tủ chính trị Ba Lan tới đó. Thế nhưng thời gian trôi qua, những người Do Thái từ mọi nơi được “gom lại”, những người Digan được dồn về – bất chấp phụ nữ và trẻ em. Họ là những lao động khổ sai có tính mạng luôn ở trạng thái ngàn cân treo sợi tóc. Họ có những hình xăm bằng số để thay cho tên mình. Họ đã sống trong địa ngục trần gian bao ngày tháng. Nơi đó, việc nở một nụ cười lạc quan cũng có thể khiến một người mang nặng mặc cảm tội lỗi. Nơi đó, có ít nhất 1,1 triệu tù nhân đã bỏ mạng ở Auschwitz, khoảng 90% trong số đó là người Do Thái. Thợ xăm ở Auschwitz đã cho độc giả thấy phần nào bên trong “địa ngục trần gian” đó.

Thợ xăm ở Auschwitz – Heather Morris

Thợ xăm ở Auschwitz là câu chuyện về Lale trong khoảng thời gian anh bị bắt đến trại tập trung Auschwitz. Những diễn biến với cuộc đời anh, cuộc gặp gỡ với tình yêu Gita và những con người ở nơi được coi là “địa điểm thực thi chính của kế hoạch “Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái”” đều được nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết này. Trong Thợ xăm ở Auschwitz có từng đợt xác chết mỗi ngày, có những chiếc lò hỏa thiêu hoạt động hết công suất hay những kẻ có thể ngẫu hứng kết thúc một hoặc nhiều mạng sống bất cứ lúc nào chỉ vì hắn không vừa mắt. Ở đó có vô số những hạt mầm tuyệt vọng, hoang tàn được gieo mỗi ngày.

Khi bắt đầu đọc tác phẩm này, tôi đã khá kỳ vọng vào một câu chuyện đầy xúc động, sẽ có những khoảng trống khiến người ta câm lặng. Sau những gì tôi biết về các trại tập trung của Đức quốc xã thì những điều này không có gì ngạc nhiên. Đặc biệt, Thợ xăm ở Auschwitz của Heather Morris lại là cuốn tiểu thuyết được viết dựa trên câu chuyện có thật từ một người sống sót để ra khỏi Auschwitz. Thế nhưng, thật tiếc khi tác giả đã mang đến người đọc cuốn tiểu thuyết có nội dung thiếu cảm xúc như vậy. Tôi nghĩ, có lẽ có sự mâu thuẫn trong việc tác giả muốn kể câu chuyện sát với sự kiện thực tế và biến những gì được chia sẻ thành một cuốn tiểu thuyết. Điều đó khiến câu chuyện dở chân thực, lại thiếu cảm xúc được đẩy đến cao trào.

Thợ xăm ở Auschwitz – Heather Morris

Trước hết, cứ phải công nhận rằng việc sống sót và thoát khỏi một trại tập trung như Auschwitz của Lale là một điều kì diệu. Nhất là khi sự sống sót đó lại trở nên tuyệt vời hơn nữa khi tình yêu của anh với Gita, một tù nhân khác của trại tập trung, được đơm hoa kết trái. Chỉ riêng bản thân việc đó, sự thật đó, đã khiến người ta ôm trái tim mình mà xúc động. Bất cứ ai từng nghe về những trại tập trung, trại hủy diệt của Đức quốc xã cũng hiểu được cùng với sự khéo léo của mình thì Lale đã có được sự may mắn đến mức nào. Và ta chờ một người kể chuyện để khám phá thế giới bên trong Auschwitz cũng như thế giới nội tâm của người đàn ông Ba Lan này. Thế nhưng tác giả, khoảng gần chục lần, cứ khiến cho tôi “suýt xúc động” rồi lại bỏ đó. Tôi đã nghẹn lại, phải dừng lại khi đọc đến cảnh người bị nhét lên xe van, đổ hóa chất vào và rồi lắc. Lale cũng vậy. Anh cũng bàng hoàng trước cú shock đó nhưng rồi sau đó, không có sau đó nữa. Tác giả ngay lập tức đưa nhân vật của chúng ta đến với những hoạt động khác và độc giả cũng bị trôi tuột theo đó. Độc giả cũng phải “vội vã lên” để theo kịp những tình huống tiếp theo của câu chuyện. Những đoạn như thế không thiếu trong Thợ xăm ở Auschwitz và tiếp sau một đoạn trần thuật này sẽ là những đoạn trần thuật khác.

Câu chuyện của Lale – Ludwig Eisenberg, việc đấu tranh cho sự sống của anh, tình yêu bền bỉ và chung thủy của anh tựa một đóa hồng thiêng liêng khiến người ta ngắm nhìn và ngưỡng mộ. Thế nhưng cách kể như trần thuật của Heather Morris khiến cho câu chuyện mang vẻ bình thường. Cách anh đổi đồ lấy nguồn thực phẩm, cách anh yêu đương mang đến cảm giác như đang đọc một cuốn tiểu thuyết giả tưởng có chút phiêu lưu, có chút lãng mạn. Anh được miêu tả lúc này làm cái này, sau đó làm cái khác, cứ như vậy cho đến hết cuốn sách. Điều đó khiến cuốn sách càng về cuối càng trở nên nhạt nhòa và không còn chút dấu ấn.

Có thể Heather Morris có dụng ý nào tôi không rõ khi viết cuốn sách này, thế nhưng với tôi thì đây quả là cuốn sách rất thiếu cảm xúc. Không biết bao nhiêu trang giấy thì đủ viết nên sự tàn khốc của chiến tranh, của tôi ác diệt chủng, của những mưu đồ bá chủ thế giới. Thế nhưng, cũng chỉ cần một dòng chữ người ta cũng cảm nhận được sự tàn khốc, tuyệt vọng ở trong tim. Tiếc là tôi lại không tìm thấy điều đó với Thợ xăm ở Auschwitz.

Hãy chia sẻ cảm nhận của bạn cùng Sách Xanh Xanh nhé!

Lá Xanh

Vui lòng ghi rõ nguồn blog review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

Please follow and like us:
Pin Share

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *