Và rồi núi vọng – Khaled Hosseini
Review sách văn học – Và rồi núi vọng là tác phẩm thứ ba của Khaled Hosseini được xuất bản tại Việt Nam sau Người đua diều và Ngàn mặt trời rực rỡ. Với những độc giả đã từng đọc và yêu thích hai tác phẩm trước của nhà văn Mỹ gốc Afghanistan này thì Và rồi núi vọng là câu chuyện rất được mong đợi. Với một bối cảnh nhiều biến động, người kể chuyện đầy lòng trắc ẩn như Khaled Hosseini có thể mang lại những gì cho bạn?
Câu chuyện về Afghanistan trong Và rồi núi vọng của Khaled Hosseini bắt đầu với anh em Abdullah và Pari vào mùa thu năm 1952. Cuốn sách bắt đầu với sự chia li của chúng và mở ra nhiều câu chuyện về những mảnh đời khác trên mảnh đất nhiều cơ cực, nhiều hỗn loạn và đầy cay đắng ấy. Ở Và rồi núi vọng, bạn sẽ không chỉ thấy câu chuyện của một người xuyên suốt mà có thể nhìn thấy những mảnh ghép từ nhiều vùng đất của Afghanistan.
Vẫn là một câu chuyện về Afghanistan với những số phận, bi kịch hoặc không, theo cách nhìn của mỗi người. Nếu đã đọc các tác phẩm trước đó của Khaled Hosseini thì độc giả hẳn sẽ không lạ lẫm gì với những cuộc đời trong Và rồi núi vọng. Bằng cách nào đó, số phận luôn có những cài cắm nghiệt ngã khiến người ta tuyệt vọng. Đó là câu chuyện về người anh có cả một cuộc đời nặng trĩu khi phải rời xa cô em nhỏ mình chăm sóc, yêu thương. Đó là câu chuyện về gia đình bị tàn sát bởi người họ hàng chỉ vì tranh chấp một miếng đất. Ở nơi đó, không thiếu những câu chuyện khiến người ta cảm thấy đau lòng.
Bởi đã rất thích Ngàn mặt trời rực rỡ và Người đua diều của Khaled Hosseini nên tôi đã rất trông đợi vào Và rồi núi vọng. Thực tế, những mảnh đời trong cuốn sách vẫn khiến tôi cảm thấy xúc động vô cùng. Ngay ở đầu cuốn sách, câu chuyện về chặng đường qua qua sa mạc và cuộc chia tay của Abdullah và Pari đã khiến người đọc rưng rưng. Cho đến trang cuối cùng của cuốn sách, sự dịu dàng của tác giả với những mảnh đời kém may mắn vẫn được thể hiện một cách sâu sắc. Không chỉ với anh em Pari, Khaled Hosseini dành tình yêu trọn vẹn cho mảnh đất và con người quê hương ông. Từ những tuyệt vọng, Khaled Hosseini cũng đặt nhẹ những mầm hy vọng cho các nhân vật của mình.
Thế nhưng Và rồi núi vọng không thực sự khiến tôi hài lòng ở cấu trúc của truyện. Nếu đây là một tập truyện ngắn và tác giả tách từng câu chuyện thì những suy ngẫm, những xúc động sẽ đọng lại rất nhiều. Những mảnh đời, những vọng âm của núi có thể vẫn có sự liên kết rất tuyệt vời và mang đến cảm giác gắn bó thú vị. Thế nhưng tôi cảm thấy khá đáng tiếc khi những câu chuyện đó lại ở trong một mớ rối rắm những tổng hợp được gom lại. Bạn có thể nói, rõ ràng những nhân vật đều có liên quan đến nhau và câu chuyện của họ được kể là hợp lý. Thế nhưng cái liên quan chỉ đơn giản là ở việc họ vô tình gặp nhau, hoặc sống cùng nhau hoặc vân vân những thứ khác. Tôi không cảm nhận được sợi dây gắn kết để những mảnh đời đó tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh.
Trong suốt thời gian đọc, tôi đều trong trạng thái đi tìm mạch truyện. Nói gì thì nói, đây vẫn là một cuốn tiểu thuyết chứ không phải một tập truyện ngắn. Ở nhiều cuốn sách, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cuối cùng sau khi ráp những mảnh ghép vào với nhau. Thế nhưng cuối cùng, Và rồi núi vọng của Khaled Hosseini không có được điều ấy.
Một điểm nữa khiến Và rồi núi vọng không có được sự cuốn hút như Ngàn mặt trời rực rỡ và Người đua diều chính là sự rườm rà trong câu chữ. Bạn sẽ không thể nào hiểu nổi vì sao một người lái xe thuê, một người giúp việc hay bất cứ là gì – lại có bức thư dài như cuốn sách nhỏ – kể tỉ mỉ việc ông ấy say mê cô phu nhân ông chủ của mình ra sao, cảm giác như thế nào… Anh hoàn toàn có thể viết một bức thư dài kể về bất cứ điều gì anh mong muốn, chỉ trừ khi mục đích của bức thư không nằm ở chỗ đó mà có vấn đề khác quan trọng hơn cần nhắc đến.
Thực tế, có không ít tác phẩm sử dụng những mảnh ghép nhỏ để tạo ra một bức tranh lớn. Cũng có nhiều truyện ngắn với kết thúc lửng lơ tạo cho người đọc nhiều suy ngẫm sau đó. Tuy nhiên, trong Và rồi núi vọng của Khaled Hosseini lần này lại không có cái “mạch” cần thiết để người đọc cảm thấy được sự cô đọng mà lại có cảm giác như tác giả đang… buồn ngủ. Dù là phần nói về nhân vật nào, sự rườm ra trong câu chữ, cách diễn đạt cũng đều khiến người đọc có cảm giác khá oải.
Nói chung, Và rồi núi vọng của Khaled Hosseini tuy vẫn là cuốn sách ý nghĩa về con người, đất nước Afghanistan nhưng đối với tôi, đây không hẳn là lựa chọn hay như mong đợi. Cuốn sách mang đến cảm giác thiếu chặt chẽ ở câu chuyện và không đủ hấp dẫn ở cách kể. Đây là điều khá đáng tiếc khi trước đó tôi đã rất mong chờ bản tiếng Việt của tác phẩm này.
Lá Xanh
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung review sách trong bài viết.
Pingback: Review | Ngàn mặt trời rực rỡ - Khaled Hosseini - Sách Xanh Xanh