Vầng trăng và sáu xu – W. Somerset Maugham
Vầng trăng và sáu xu là tiểu thuyết của W. Somerset Maugham kể về cuộc đời một nhà môi giới chứng khoán trung lưu có người vợ khéo léo, con cái ngoan ngoãn, sự nghiệp không có gì để chê – Charles Strickland. Tác phẩm ra đời năm 1919 này mang đến cái nhìn đầy suy ngẫm về sự lựa chọn đam mê hay một đời sống thực tế, bình dị. Người ta, liệu ai chọn sáu xu, ai chọn vầng trăng?
Nội dung Vầng trăng và sáu xu kể về Charles Strickland – một người đàn ông trung lưu có sự nghiệp đàng hoàng, gia đình đầm ấm. Thế nhưng bất ngờ, người đàn ông ngoài 40 này từ bỏ công việc cũng như đột ngột bỏ gia đình để đến Paris. Tại đây, người ta không tìm thấy ông ở một khách sạn xa hoa với cô nhân tình trong đồn đoán mà là tìm thấy một Charles Strickland trong hình ảnh nghèo nàn, ở một căn phòng tồi tàn, ăn uống thiếu thốn. Và, ông vẽ. Một người đàn ông trung niên không còn quan tâm đến bất cứ lời chê bai, gièm pha nào mà dồn toàn bộ sức lực và thời gian của mình cho việc vẽ tranh. Ông cũng không bán những bức vẽ của mình dù thường trực trong cảnh túng thiếu. Cuối cùng, Strickland đến với đảo Tahiti và tìm được điều ông tìm thấy điều ông khao khát cả cuộc đời. Liệu cái kết cho câu chuyện về Charles Strickland là bi kịch hay niềm hạnh phúc?
Lấy cảm hứng từ cuộc đời của danh họa Paul Gauguin, W. Somerset Maugham mang đến câu chuyện về sự thôi thúc đến mức ám ảnh nhu cầu sáng tạo của người nghệ sĩ. Đọc Vầng trăng và sáu xu, ta có thể đi qua rất nhiều những tầng cảm xúc và suy ngẫm về đời người. Mặc dù có tất cả những gì một người ở xã hội đương thời mong muốn nhưng Charles Strickland lại dứt khoát từ bỏ nó để theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình. Sau khi rời bỏ gia đình và công việc, ông không chỉ phải đối diện với những gièm pha, chỉ trích từ người khác mà còn phải đối diện với nghèo đói, thậm chí suýt chết vì ốm đau. Thế nhưng người ta chỉ thấy ở Charles Strickland là sự dửng dưng với những điều đó. Người nghĩ ông ích kỷ, người nghĩ ông không bình thường, người dành cho ông sự khinh bỉ nhưng đến cuối cùng – ai cũng thấy sự phi thường kì lạ từ Strickland.
Vầng trăng lý tưởng hay sau xu hiện thực? Làm thế nào để người ta có thể so sánh vầng trăng tượng trưng cho đam mê, cho lý tưởng với đồng bạc sáu xu có giá trị thấp đại diện cho hiện thực bình thường, trần tục? Những ước vọng luôn đẹp rực rỡ và khiến người ta say mê nhưng mấy người có thể theo đuổi đến cùng, vượt qua chông gai để tiến tới đó? Hiện thực dù giản đơn, tầm thường nhưng liệu mấy người có thể phủ nhận những gì nó mang lại?
Trong Vầng trăng và sáu xu, Charles Strickland đã trở thành con người mình mong muốn, đã sống với đam mê của mình khi ai cũng nghĩ rằng ông quá tuổi để làm như vậy. Trên con đường đó, ông đã thờ ơ với mọi người, mọi việc đến và lướt qua mình như những điều đó chẳng hề tồn tại. Ông là một kẻ mất trí, nhưng cũng là một thiên tài. W. Somerset Maugham đã thực sự mang đến câu chuyện tuyệt vời về sự lựa chọn giữa bình thường và phi thường. Tác giả không chỉ kể câu chuyện về sự khó khăn khi ai đó theo đuổi đam mê của mình mà bắt đầu với sự lựa chọn từ trái tim. Ở tuổi 47, Charles Strickland đã đưa ra lựa chọn ai cũng nghĩ là hoang đường – nghe theo trái tim và sống thật với chính mình. Ông bị xã hội chỉ trích, ông đói nghèo nhưng trái tim ông chỉ lựa chọn vẽ để khám phá, để tìm kiếm và tận hưởng chứ không phải kiếm tiền.
Sự mâu thuẫn luôn tồn tại ở những người xung quanh ông nhưng trái tim Strickland chỉ hướng về nơi đầu tiên ông lựa chọn. Sự mâu thuẫn giữa thực tế đời sống và con đường nghệ thuật luôn luôn ở đó, và để lại di sản thì người nghệ sĩ phải chấp nhận mọi điều đến với mình. Và một điều không thể phủ nhận, nếu không có những người tưởng như tầm thường như Dirk Stroeve thì Charles Strickland – một người ích kỷ đến mức cực đoan, tàn nhẫn chưa chắc đã có thể tồn tại được đến khi có được di sản cho mình.
Những suy ngẫm không ngừng và sự mâu thuẫn trong Vầng trăng và sáu xu chính là điểm nhấn mang đến sức hút cho tác phẩm hơn một thế kỷ qua. Một tác phẩm không thể bỏ qua của W. Somerset Maugham.
William Somerset Maugham (1874 – 1965) là nhà văn và nhà viết kịch người Anh. Ông được biết đến với cái tên “nhà văn kể chuyện hay nhất” và là tác giả được trả tiền nhuận bút cao nhất trong thập niên 1930. William Somerset Maugham là một tiểu thuyết gia, nhà viết kịch và tiểu luận nổi tiếng người Anh… Các tác phẩm đã được xuất bản tại Việt Nam có thể kể đến như: Tấm mạng hoa, Đời nghệ sĩ, Mặt nạ bươm bướm…
Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.