Vụ án mạng bên hồ – Higashino Keigo
Trước hết, hãy cứ phải nói rằng tôi là một người đọc đặc biệt không thích trinh thám. Số truyện tôi đọc về thể loại này tính đến hiện tại chắc cũng chỉ xoay quanh đâu đó số 10. Lý do thứ nhất khiến tôi không đọc trinh thám là vì não tôi nhảy số chậm, tôi chẳng bao giờ đoán ra được hung thủ là ai. Lý do thứ 2 là vì đã là trinh thám thì chắc chắn sẽ có kẻ thủ ác, mà đã có điều ác luôn khiến tôi sợ hãi. Tôi sợ không chỉ là hành động tội ác mà hơn hết, là những gì ẩn sâu bên trong lòng người. Thế giới này vốn đã quá phức tạp rồi.
Thực cũng khá lâu rồi tôi không đọc truyện của Higashino Keigo. Biết đến tác giả từ Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya, tôi hoàn toàn bị thuyết phục vì những câu chuyện được ghép lại rất mượt và tinh tế. Đến Bạch dạ hành thì Keigo đã trở thành cái tên không thể bỏ qua đối với những người đọc say mê những câu chuyện tâm lý. Thế nhưng trong rất nhiều fan trinh thám thích thú với những tác phẩm của Higashino Keigo thì thật tiếc là tôi lại không thấy có gì đặc sắc cho lắm. Sau Hoa mộng ảo có cái kết khá kì cục, tôi quyết định thử lại một lần nữa với trinh thám của Keigo. Liệu Vụ án mạng bên hồ đây có phải tác phẩm khiến tôi quay đầu hay không?
Vụ án mạng bên hồ của Higashino Keigo có nội dung xoay quanh 4 gia đình cho con tập trung ở khu vực xa thành phố để ôn thi. Vụ án không được kể dưới con mắt của người điều tra thông thường mà được tác giả đi ngay vào đối tượng thực hiện và những hoạt động xử lý sau đó. Từ đầu đến cuối câu chuyện là những nút thắt được buộc, được gỡ và qua vô số những sự bất thường của những nhân vật trong truyện, tôi cũng không bất ngờ với cái kết. Cái kết của Vụ án mạng bên hồ có thể chỉ là bắt đầu cho một câu chuyện khắc nghiệt hơn nhiều chờ đợi ở phía sau.
Trong Vụ án mạng bên hồ, Higashino Keigo không khiến tôi bất ngời bằng những cú twist mà ở các nhân vật ông tạo nên. Những kẻ, vì lý do nào đó, vừa thực hiện hành vi liên quan đến tội ác giết người nhưng vẫn còn nhớ là ở đây (trong biệt thự) hình như không cho hút thuốc hay ngủ ở sofa không tốt. Người ta có suy nghĩ rằng, ngoại tình như một chất bôi trơn để tận hưởng cuộc sống. Khi đọc đến những chi tiết này, tôi đều khựng lại để thử nghĩ xem rốt cuộc mình đang đọc thứ gì. Thế nhưng, xét cho cùng thì sự suy đồi về nhân cách, về lối sống không chỉ có ở đất nước cách chúng ta 6 giờ bay.
Tuy câu chuyện với thời lượng chủ yếu là nói về người lớn nhưng trọng tâm của họ lại xoay quanh những đứa trẻ. Những lý lẽ của họ luôn dựa trên cái trục là tốt cho con của mình. Fujima đã khiến tôi nghĩ “Ồ, có lẽ mình cũng được xếp vào kiểu phụ huynh đúng chuẩn (bình thường) khi luôn nghĩ bọn trẻ có quyền tự do với quyền lựa chọn của chúng”. Tôi ngẫm nghĩ và thấy anh ta nói cũng không quá sai. Thế nhưng, đến cùng thì những bậc cha mẹ cũng chỉ là những kẻ biện minh quá lỗi thời khi dùng những lý lẽ cũ rích để bắt con sống theo kỳ vọng ích kỷ của bản thân. Họ đã vô tình khiến những đứa trẻ bị huỷ hoại ngay từ khi còn nhỏ và có lẽ sẽ không bao giờ nhận ra mình có lỗi. Trong cả câu chuyện này, tôi thương những đứa trẻ thật sự.
Vụ án mạng bên hồ của Higashino Keigo vẫn là câu chuyện thiên về tâm lý và khiến độc giả phải theo dõi những biến hoá trong từng biểu cảm của nhân vật. Sách khá mỏng và dễ đọc. Một câu chuyện có nhiều điều để suy ngẫm.
Lá Xanh
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung trong bài viết.
Pingback: Review | Vụ án không có kẻ sát nhân - Keigo Higashino - Sách Xanh Xanh