Review Sách

Vụ mất tích thành Hamelin – Chan Ho-kei

Vụ mất tích thành Hamelin của Chan Ho-kei là một tác phẩm trinh thám vô cùng thú vị với bối cảnh châu Âu cuối thời Trung cổ và chất liệu là những câu chuyện cổ tích rất “dark” từ xa xưa. Những vụ án với tình tiết kì lạ xuất hiện trên hành trình đi tìm các truyền thuyết của tiến sĩ luật học Lyle Hoffman thích phiêu lưu cùng người tùy tùng Hans Christian Green của mình. Bằng con mắt tinh tường của Hoffman và sự ngây ngô, đôi khi hấp tấp của Hans thì những vụ án được giải quyết một cách thú vị cũng như đầy sự hài hước.

Vụ mất tích thành Hamelin là tuyển tập gồm 2 truyện ngắn và 1 truyện dài tương ứng với các vụ án: Jack và cây đậu thần, Mật thất của Râu Xanh Vụ án cây sáo thần bắt cóc trẻ em ở Hamelin. Đây là những tác phẩm được Chan Ho-kei viết ở những thời điểm khác nhau nhưng đều có nhân vật chính là ngài tiến sĩ luật học quý tộc Lyle Hoffman cùng người hầu cận Hans Christian Green trong những chuyến đi khắp nơi ở châu Âu để tìm kiếm những câu chuyện bí ẩn, những truyền thuyết họ chưa từng được biết đến. Lyle Hoffman là một vị quý tộc có xuất thân cao quý không hứng thú với chính trị hay những cô gái quý tộc được giới thiệu mà luôn say mê những câu chuyện truyền thuyết bí ẩn có thể gặp trong các chuyến đi. Nếu Hoffman thông minh và “nhảy số” rất nhanh thì người hầu cận Hans Green lại khá vụng về, hấp tấp gây nên những tình huống dỡ khóc, dở cười.

Vụ mất tích thành Hamelin – Chan Ho-kei. Ảnh: Thu Trang

3 vụ án trong truyện được Chan Ho-kei lấy cảm hứng từ những câu chuyện cổ với các nhân vật khá quen thuộc. Trong khi Jack và cây đậu thần là tác phẩm đầu tay giúp Chan Ho-kei lọt vào vòng chung kết Giải Văn học trinh thám lần thứ 6 của Hội Nhà văn trinh thám Đài Loan 2008 thì Mật thất của Râu Xanh nhận được giải nhất Giải thưởng của Hiệp hội Nhà văn trinh thám Đài Loan lần thứ 7 năm 2009 đã khẳng định tài năng của nhà văn được yêu thích này. Các tình tiết chính trong những câu chuyện này vẫn quen thuộc với người đọc nhưng lại được “giải mã” một cách chặt chẽ và thuyết phục. Những bí mật được ẩn giấu được bóc tách để đưa ra ánh sáng rất ấn tượng với đầy những cú twist. Nếu như Jack và cây đậu thần cùng Mật thất của Râu Xanh là những truyện ngắn có nhịp nhanh, như một món khai vị nhẹ nhàng thì câu chuyện về cây sáo thần thành Hamelin lại có độ dài và nội dung nặng ký hơn nhiều.

Vụ án cây sáo thần bắt cóc trẻ em ở Hamelin được viết sau một thời gian dài lên ý tưởng và nghiên cứu bối cảnh kỹ lưỡng giúp Chan Ho-kei tạo thành một tuyển tập hoàn chỉnh những câu chuyện lấy cảm hứng từ cổ tích. Vụ án cây sáo thần bắt cóc trẻ em ở Hamelin xuất hiện khi Hoffman và Hans đi lạc và phải dừng chân ở đây. Ở một quán bia trong nhà trọ, hai người được nghe câu chuyện kì lạ về phù thủy, về vua chuột rồi những vụ bắt cóc trẻ em liên tục những ngày sau đó. Tiếp đó là những ngày Hoffman và hầu cận của mình tìm hiểu rồi thực hiện hành trình phá án gay cấn. So với 2 truyện trước thì Vụ mất tích thành Hamelin có độ dài lớn hơn nhiều nên đôi chỗ người đọc có cảm giác khá dài dòng. Tuy nhiên, với một câu chuyện gốc có sức nặng rất lớn thì những sự “bài trí” của Chan Ho-kei lại vô cùng hợp lý. Từng nhân vật, từng tình tiết được xuất hiện để tạo nên một bức tranh tổng thể hợp lý và, không thiếu mảnh ghép nào. Chan Ho-kei đã lựa chọn những câu truyện cổ tích khá “dark” và có liên quan đến những sự kiện có thật để có đủ độ phức tạp, sức hấp dẫn và cảm giác chân thực. Câu chuyện thành Hamelin cũng không phải là ngoại lệ.

Vụ mất tích thành Hamelin – Chan Ho-kei. Ảnh: Thu Trang

Với chất liệu là câu chuyện cũ nhưng Chan Ho Kei đã mang đến cho độc giả những thông tin về thời kì trung cổ châu Âu được lồng ghép tỉ mỉ mà khéo léo. Khi đọc Vụ án cây sáo thần bắt cóc trẻ em ở Hamelin, ta không còn thấy sự mơ hồ hay kì bí nữa mà là cả một câu chuyện về con người, lòng dũng cảm hay về danh vọng, sự dối trá. Tác giả đã khẳng định khả năng viết truyện trinh thám của mình với các câu chuyện đầy những bước ngoặt mới mẻ, xây dựng các nhân vật tưởng như quen thuộc nhưng lại đa chiều và sâu sắc, phức tạp hơn.

Phần lời bạt cuối cuốn sách cung cấp khá nhiều thông tin hữu ích về quá trình viết nên cuốn sách này giúp độc giả hiểu được Chan Ho-kei đã dày công thế nào để cho ra đời một tác phẩm dù là truyện ngắn. Đó là điều tạo nên sức hút cho Vụ mất tích thành Hamelin cũng như những tác phẩm của Chan Ho-kei suốt nhiều năm qua.

Chan Ho-Kei (Trần Hạo Cơ) sinh năm 1975 – là một nhà văn Hong Kong nổi tiếng với các tác phẩm trinh thám hiện đang sinh sống, làm việc tại Đài Loan. Bên cạnh việc sáng tác, Chan Ho-kei còn là một kĩ sư phần mềm, tham gia thiết kế trò chơi điện tử và là chủ bút của một vài tạp chí truyện tranh.  Các tác phẩm khác của Chan Ho-Kei: Người Bóng Bay, 13·67, Hình cảnh mất trí, Dê mắt quỷ

Vui lòng ghi rõ nguồn trang review sách khi sử dụng nội dung trong bài viết.

XEM THÊM
Please follow and like us:
Pin Share

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *